Quyết định 329/2007/QĐ-UBND quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 329/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/12/2007
Ngày có hiệu lực 20/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Hoàng Thị Út Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 329/2007/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 10 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HẰNG NĂM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2633/TTr-SNV ngày 06/12/2007
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quyết định này quy định việc đánh giá hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và trong các đơn vị sự nghịệp công lập từ tỉnh đến huyện, thành phố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan sau đây:

a) Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở và cơ quan tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Chi cục và Thanh tra trực thuộc Sở;

c) Các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

2. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

3. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các Hội được Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế hằng năm.

4. Công chức dự bị được phân công về công tác tại các cơ quan hành chính của tỉnh (từ tỉnh đến cấp xã).

5. Cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Riêng giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông thuộc các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập của tỉnh thực hiện đánh giá, xếp loại hằng năm theo quy định của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Mục đích đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 4. Nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm khách quan, khoa học và kết luận theo đa số trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức và kết quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Quyết định này.

Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm làm căn cứ để xét thi đua khen thưởng cuối năm và thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 6. Nội dung đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm căn cứ vào phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức để đánh giá kết quả công tác trong năm về các mặt:

1. Phẩm chất chính trị: đánh giá về chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần học tập nâng cao trình độ và tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

2. Đạo đức, lối sống: đánh giá về quan hệ, lối sống; tinh thần chống tham nhũng, lãng phí; tính trung thực trong công tác và ý thức tổ chức kỷ luật.

[...]