Quyết định 3269/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 3269/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/12/2011
Ngày có hiệu lực 07/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3269/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1832/TTr-SCT ngày 16/11/2011 về việc ban hành Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015.

Điều 2. Giao trách nhiệm Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó Văn phòng CNN;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, CNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3269 /QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị và quốc phòng an ninh, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng, là tỉnh đạt thành công nhất định trong việc đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp, cụ thể đến nay Đồng Nai đã có 30 khu công nghiệp được đầu tư với tổng diện tích 9.573 ha, trong đó diện tích đã cho thuê là 6.322 ha, chiếm tỷ lệ 61% diện tích đất dùng cho thuê. Ngoài các khu công nghiệp tập trung trên, tính đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 43 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích là 2.143 ha. Trong những năm qua Đồng Nai đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân đạt 19 %/năm, môi trường đầu tư được cải thiện tốt; tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trong 5 năm đạt trên 121 ngàn tỷ đồng, chiếm 45,1% GDP hàng năm. Cơ cấu đầu tư chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách 5 năm đạt trên 61 ngàn tỷ đồng (tăng bình quân 12,5%/năm và chiếm tỉ trọng 23% GDP hàng năm). Tổng chi ngân sách đạt trên 22 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 9,4%/năm, trong đó chi cho đầu tư phát triển chiếm tỉ trọng 32%.

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX đã nêu: “Xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2015”. Để thực hiện được điều này trước mắt phải quy hoạch các khu công nghiệp gắn liền với phát triển đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm đào tạo, khu vui chơi giải trí, kết nối chặt chẽ với hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống xung quanh với phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó:

- Ưu tiên đột phá phát triển các khu công nghiệp - đô thị, khu đô thị - công nghệ cao, khu liên hợp công nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao gắn liền giữa nghiên cứu - nuôi trồng - chế biến, các khu công nghiệp chuyên ngành và các khu liên hợp các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và công nghệ sạch như khu công nghiệp cơ khí chế tạo máy và sản xuất - lắp ráp ô tô, khu công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin,…;

- Hạn chế phát triển các khu công nghiệp tại các trung tâm đô thị lớn, chuyển các khu công nghiệp về địa bàn nông thôn, các vùng còn nhiều quỹ đất phát triển nhưng điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn;

- Trên cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 có tính đến năm 2015 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 746/2005/QĐ.CT.UBT ngày 04/2/2005.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực đô thị và khu công nghiệp trong tỉnh, các tuyến đường cao tốc. Đồng thời xây dựng đồng bộ hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, cây xanh, chiếu sáng công cộng, phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, trạm trung chuyển chất thải, trạm xe buýt, trạm điện thoại công cộng,… theo hướng hiện đại, vận hành thông suốt và ổn định.

Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp. Các khu công nghiệp phải thu hút được vốn đầu tư từ 9 - 15 tỷ USD giai đoạn 2010-2020 thuộc các thành phần kinh tế, trong đó vốn đầu tư trong nước chiếm từ 7 - 10% trong cơ cấu vốn đầu tư.

Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển công nghiệp đã phát sinh những tác động ảnh hưởng tới môi trường. Tính đến ngày 31/12/2010 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trên 11.980 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, trong đó đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chỉ có số ít cơ sở đầu tư thiết bị công nghệ sạch, hiện đại, các cơ sở còn lại thiết bị và công nghệ đều đã lạc hậu... Với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chịu sự tác động chung của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu như hiện nay, không thể cùng một lúc các cơ sở có khả năng thay thế toàn bộ trang thiết bị, công nghệ lạc hậu bằng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Vì thế việc cải tiến, nâng cấp các thiết bị có sẵn và sắp xếp lại quy trình công nghệ theo từng công đoạn sản xuất, thực hiện các giải pháp quản lý nội vi là cần thiết, giúp các cơ sở sản xuất nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Xuất phát từ nhận thức và quan điểm bảo vệ môi trường, ngày 07/9/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”. Sản xuất sạch hơn (SXSH) là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, đây là một giải pháp hiệu quả không chỉ giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường mà nó còn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Trong tình hình thực tế hiện nay các quy chuẩn môi trường đang trở nên ngày một chặt chẽ hơn, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ tập trung xử lý cuối đường ống nhằm chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, các hệ thống xử lý cuối đường ống làm giảm tải lượng ô nhiễm, nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi, do đó xử lý cuối đường ống luôn luôn làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi sản xuất sạch hơn nâng cao được hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu; giảm phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo phát triển bền vững.

Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch hành động về SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015 là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung và nhiệm vụ “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” của Chính phủ.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

[...]