Quyết định 3238/2004/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3238/2004/QĐ-BYT
Ngày ban hành 16/09/2004
Ngày có hiệu lực 23/10/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

 

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3238/2004/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2007

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ- TTg ngày 17 tháng 1 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng của các Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
-Như Điều 3,
-Ban Bí thư trung ương Đảng (để báo cáo),
-Văn phòng Chính phủ (Tổ Công báo),
-Bộ Tư pháp (HĐGDPL, Cục Kiểm tra VBQPPL),
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
-Các đồng chí Thứ trưởng (để biết),
-Phòng QTHCII, 51 Phạm Ngọc Thạch Tp. HCM- Lưu PC,
-Lưu trữ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trần Thị Trung Chiến

CHƯƠNG TRÌNH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3238 /2004/QĐ- BYT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Y TẾ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2007.

1. Cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình.

a) Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Công văn số 06/BTP ngày 08 tháng 6 năm 2004 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW nêu trên.

b) Quyết định số 35/2001/QĐ-TTG ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010.

c) Quyết định số 13/2003/QĐ-TTG ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.

d) Thông tư số 01/2003/TT- BTP ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTG ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.

2. Sự cần thiết.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc đảm bảo hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật. Mỗi một văn bản quy phạm pháp luật ban hành đều có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nếu các đối tượng áp dụng không hiểu biết những quy định mà mình phải thực hiện thì văn bản quy phạm pháp luật đó không thể phát huy được hiệu lực trong thực tiễn.

Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định :"Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng  của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội."

Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã quan tâm tới việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, giới thiệu các chế độ, chính sách, pháp luật về y tế đến cán bộ, công chức trong, ngoài ngành y tế và đến cộng đồng, đáp ứng được một phần yêu cầu của việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bằng pháp luật. Song công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật y tế nói riêng chưa được đặt ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; chưa tiến hành thường xuyên, đồng bộ; chưa có trọng tâm, trọng điểm. Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do thiếu cơ chế, kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, giữa Sở Y tế với các ban, ngành có liên quan trong phạm vi địa phương. Chính vì vậy, nhu cầu thông tin về pháp luật y tế của nhân dân trong thời gian qua chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đặc biệt là hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống. Do vậy, cần phải có sự đổi mới và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về y tế nói riêng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, đồng thời có thể thu thập được nhiều thông tin phản hồi từ các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về y tế. Với lý do nêu trên và để những chính sách của Đảng, của Nhà nước về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đi vào cuộc sống, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế từ năm 2004 đến năm 2007 là rất cần thiết và cấp bách.

II. MỤC TIÊU.

A. Mục tiêu chung.

Các văn bản quy phạm pháp luật về y tế phải được phổ biến, giáo dục đến các đối tượng có trách nhiệm thực hiện và phải được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi của các văn bản và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực y tế.

B. Mục tiêu cụ thể.

1. Cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế hiểu biết và nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về y tế để thực hiện, triển khai thực hiện và kiểm tra thực hiện theo đúng quy định.

[...]