BỘ LAO ĐỘNG
- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 316
/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 3 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT 05 NĂM THI HÀNH PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI
NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17
tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7
năm 2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác người có công với cách mạng;
Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22 tháng 5
năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc
người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt
sĩ;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và Cục trưởng Cục Người có công,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết 05 năm
thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Người có công, Vụ trưởng
Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục NCC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|
KẾ HOẠCH
TỔNG KẾT 05 NĂM THI HÀNH PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI
CÁCH MẠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 316/QĐ-LĐTBXH
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7
năm 2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng
Kế hoạch tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng,
gồm các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đánh giá toàn diện 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi
người có công với cách mạng (2013 - 2017) từ cấp cơ sở trở lên làm căn cứ xây dựng
Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Yêu cầu
- Tập trung đánh giá những hạn chế, bất cập về nội
dung của Pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn và việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh
trong những năm qua. Mỗi đánh giá cần cụ thể, chỉ rõ quy định nào, bất cập là
gì, kiến nghị hướng sửa đổi (nếu có)...; không đánh giá chung chung, hình thức;
tránh đi sâu báo cáo thành tích;
- Việc tổ chức tổng kết phải được
tiến hành nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Đảm bảo dân chủ, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc theo đúng nội dung, mục đích, tiến độ đề ra;
- Nội dung tổng kết phải bám sát những
quy định của Pháp lệnh; phản ánh đúng tình hình thực tế; phân
tích, đánh giá kèm theo số liệu cụ thể;
- Phân công nhiệm vụ hợp lý, xác định
rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo có sự phối hợp của các cơ quan
liên quan trong việc thực hiện các nội dung tổng kết.
II. NỘI DUNG TỔNG
KẾT
1. Đánh giá kết quả đạt được trong
việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
(được sửa đổi, bổ sung năm 2012), trong đó tập trung vào các nội
dung: tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn từ
Trung ương đến địa phương (công tác tuyên truyền, phổ biến; công tác xã hội hóa
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; công tác thanh tra, kiểm tra;
công tác bố trí nguồn nhân lực thực hiện…), tác động của Pháp lệnh
ưu đãi người có công với cách mạng đến sự phát triển, ổn định tình hình
chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Đánh giá toàn
diện các quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, từ những quy định chung; về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh; đến
các chế định, quy định cụ thể… Thông qua đó, nêu rõ những bất cập,
hạn chế của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đồng thời, phân tích
rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập; xác định những
vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh cần
phải điều chỉnh.
3. Rà soát, đánh
giá về mối quan hệ giữa quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
với quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật
Hôn nhân và gia đình; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo,…. để điều chỉnh phù hợp, đồng bộ khi
xây dựng Pháp lệnh thay thế.
4. Đề xuất, kiến
nghị hướng sửa đổi nhằm hoàn thiện Pháp lệnh ưu đãi người
có công với cách mạng.
5. Xem xét, đề xuất khen thưởng
đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
III. HÌNH THỨC
TỔNG KẾT
1. Cấp xã: xây dựng báo cáo tổng kết (mời cấp ủy,
mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đóng góp, hoàn chỉnh) gửi Ủy
ban nhân dân cấp huyện.
2. Cấp huyện: tổng hợp báo cáo của cấp xã; tùy
điều kiện của địa phương có thể tổ chức hội nghị tổng kết hoặc tổ chức họp tổng
kết, mời các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và đại diện Ban chỉ đạo tổng kết
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cấp tỉnh tham dự. Lập báo cáo gửi Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Cấp tỉnh: tổng hợp báo cáo của cấp huyện; tổ
chức hội nghị tổng kết, mời các ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể
chính trị - xã hội có liên quan. Lập báo cáo gửi về Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội.
4. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng,
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu, xây
dựng báo cáo tổng kết và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức
hội nghị tổng kết toàn quốc.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Đối với các Bộ, ngành ở
Trung ương
a) Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội
- Hướng dẫn, đôn đốc hoạt động tổng
kết thi hành Pháp lệnh ở các Bộ, ngành và địa phương về nội
dung tổng kết, đánh giá nhằm bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện cũng như bảo
đảm đúng mục đích, yêu cầu của việc tổng kết.
- Chủ trì tổng hợp kết quả tổng kết
của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Báo cáo phục
vụ hội nghị tổng kết; xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc
về thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
- Giao Cục Người có công phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ giúp Lãnh
đạo Bộ thực hiện các nội dung nêu trên.
b) Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an
Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an chủ trì việc tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh ưu đãi
người có công với cách mạng trong phạm vi do ngành mình quản
lý theo các nội dung nêu tại phần II của Kế hoạch này, trong đó tập trung vào một
số nội dung:
- Tình hình xác nhận và giải
quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;
- Đánh giá những kết quả đạt được,
khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện và phối hợp thực hiện quản lý nhà
nước về công tác ưu đãi người có công;
- Đánh giá các quy định của Pháp lệnh
ưu đãi người có công với cách mạng và sự đồng bộ giữa các quy định của Pháp lệnh
ưu đãi người có công với cách mạng với các đạo luật liên quan.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Xây dựng, Bộ Nội vụ tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh ưu
đãi người có công với cách mạng trong phạm vi do ngành
mình quản lý theo các nội dung nêu tại phần II của Kế hoạch này, trong đó tập
trung vào một số nội dung:
- Tình hình thực hiện ưu
đãi trong giáo dục, đào tạo, tình hình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách
mạng;
- Đánh giá sự đồng bộ giữa các quy
định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng với các luật liên quan về
ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và hỗ trợ nhà ở cho người
có công với cách mạng;
- Đánh giá những kết quả đạt được,
những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân trong thực
hiện và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác ưu đãi người có
công thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý;
d) Bộ Y tế
Đề nghị Bộ Y tế tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh
ưu đãi người có công với cách mạng đối với những nội dung nêu tại Phần II của Kế
hoạch, trong đó tập trung vào một số nội dung:
- Tình hình thực hiện Bảo hiểm y tế và chăm sóc
sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân;
- Công tác khám, giám định đối với thương binh,
bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân
người có công;
- Đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn,
vướng mắc, bất cập, nguyên nhân trong thực hiện và phối hợp thực hiện quản lý
nhà nước về công tác ưu đãi người có công thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.
đ) Bộ Tài chính
Đề nghị Bộ Tài chính tổng kết 05 năm thi hành
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đối với những nội dung nêu tại Phần
II của Kế hoạch, trong đó tập trung vào một số nội dung:
- Tình hình thực hiện, hướng dẫn sử dụng ngân
sách thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;
- Công tác tổ chức thực hiện miễn, giảm thuế đối
với người có công với cách mạng và hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn cho các cơ
sở sản xuất, kinh doanh, trường, lớp dạy nghề cho thương binh, bệnh binh;
- Đánh giá những kết quả đạt được, những khó
khăn, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân trong thực hiện và phối hợp thực hiện quản
lý nhà nước về công tác ưu đãi người có công thuộc phạm vi, trách nhiệm quản
lý.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách
mạng trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương đối với những nội dung nêu tại Phần II của Kế hoạch này.
3. Về việc lấy số liệu và gửi
báo cáo tổng kết
a) Đề nghị các Bộ, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh lấy số liệu phục vụ tổng kết 05 năm thi hành
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tính từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2017.
b) Các Bộ, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh chủ động thực hiện việc tổng kết và gửi Báo
cáo bằng văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục
Người có công) trước ngày 14/4/2018 (gửi kèm theo file điện tử về địa chỉ: info@nguoicocong.gov.vn).
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí thực hiện tổng kết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
được bảo đảm từ kinh phí của Bộ, ngành, địa phương mình.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính có
trách nhiệm bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện tổng kết đối với các hoạt động
thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ./.