Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 370/KH-BTP năm 2019 về Tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 370/KH-BTP
Ngày ban hành 29/01/2019
Ngày có hiệu lực 29/01/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Chí Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 370/KH-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT 5 NĂM THI HÀNH LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ NĂM 2013

Luật hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau 05 năm triển khai thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực; bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định. Để đánh giá tổng thể tác động của văn bản Luật đối với đời sống xã hội, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, gồm các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 (những kết quả đạt được, ưu điểm, tồn tại, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân; bài học kinh nghiệm trong triển khai thi hành Luật, từ đó kiến nghị các nhiệm vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở giai đoạn tiếp theo).

b) Đánh giá sự thống nhất, đồng bộ của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; sự phù hợp của Luật với thực tiễn đời sống từ đó đề xuất các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

c) Tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

2. Yêu cầu

a) Việc tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở phải nghiêm túc, khách quan và toàn diện; hiệu quả, tiết kiệm.

b) Nội dung tổng kết phải thiết thực, trung thực; có số liệu cụ thể, bám sát các nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở (ban hành tại Quyết định số 2611/QĐ-BTP ngày 04/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

II. PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TỔNG KẾT

1. Phạm vi tổng kết

Kết quả đạt được sau 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và trên phạm vi toàn quốc (tính từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2018).

2. Nội dung tổng kết

Bám sát các nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở (ban hành kèm theo Quyết định số 2611/QĐ-BTP ngày 04/11/2013 của Bộ trường Bộ Tư pháp), trong đó tập trung vào những nội dung chính sau đây:

- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở;

- Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Tình hình, kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở:

+ Củng cố, kiện toàn đội ngũ quản lý, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở;

+ Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên ở cơ sở; xây dựng và phát hành tài liệu về hòa giải ở cơ sở;

+ Thống kê số liệu về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

+ Bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; kết quả huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở.

- Công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở;

- Kiến nghị, đề xuất.

3. Hình thức tổng kết

3.1. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và tổ chức có liên quan chủ động tổ chức tổng kết bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.

3.2. Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật trên phạm vi toàn quốc.

[...]