ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3126/QĐ-UBND
|
Thái Bình, ngày 31 tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC
CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin
ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP
ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của
các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày
15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng,
phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập
quốc tế;
Căn cứ Công văn số 2718/BTTTT-THH
ngày 10/8/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc báo cáo tình hình thực
hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 và xây dựng Kế hoạch ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 2481/QĐ-UBND
ngày 20/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và
Truyền thông tại Tờ trình số 63/TTr-STTTT ngày 27/10/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin
(CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2017, với
các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
- Đầu tư hệ thống nền tảng, tích hợp,
chia sẻ (LGSP) của tỉnh.
- Bổ sung thiết bị bảo mật cho Trung
tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, thiết bị tường lửa bảo vệ mạng nội bộ của cơ
quan nhà nước cấp tỉnh, huyện để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an
ninh thông tin mạng trên toàn tỉnh theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
- Tăng cường phát huy hiệu quả của
các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.
2. Nhiệm vụ
a) Về hạ tầng kỹ
thuật
- Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông đến cấp xã nhằm triển khai có hiệu quả
các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung trong toàn tỉnh.
- Tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh,
huyện: Đầu tư trang bị thiết bị tường lửa lớp mạng
(Firewall). Đầu tư giải pháp phần mềm phòng chống virus tập trung cho 5000
user/3 năm để quản lý an toàn an ninh thông tin tập trung trong toàn tỉnh.
- Tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của
tỉnh:
+ Đầu tư, bổ sung thiết bị máy chủ,
thiết bị sao lưu dữ liệu, Hệ thống báo cháy chuyên dụng;
+ Đầu tư hệ thống nền tảng, tích hợp,
chia sẻ (LGSP) để tích hợp, chia sẻ với các hệ thống CNTT dùng chung đã có và
liên thông kết nối với các hệ thống
do các Bộ, ngành, Trung ương triển khai;
+ Triển khai sử dụng chứng thư số
chuyên dùng cho tổ chức và cá nhân trong Mạng Văn phòng điện tử liên thông, kê
khai bảo hiểm xã hội qua mạng, khai thuế qua mạng, nộp thuế
điện tử.
b) Ứng dụng CNTT
trong nội bộ cơ quan nhà nước
- Phát triển và triển khai các hệ thống
ứng dụng CNTT dùng chung đến cấp xã để quản lý văn bản, điều hành, tác nghiệp
liên thông từ cấp tỉnh, huyện đến xã.
- Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu tập
trung của tỉnh như cơ sở dữ liệu xác thực người dùng và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để kết nối với cơ sở dữ
liệu quốc gia.
c) Ứng dụng công
nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp
- Hoàn thiện Cổng
thông tin điện tử của tỉnh để triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3
trở lên thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã ưu tiên triển
khai tại các địa phương theo Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng
Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước
trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả các thông tin, cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Xây dựng Trung tâm hỗ trợ trên nền
công nghệ IP, tích hợp tất cả các phần mềm quản lý liên quan
để trợ giúp việc chăm sóc, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp, công dân. Dự kiến
sử dụng chung một số hạ tầng với Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Quy mô cần
khoảng 02 bàn hỗ trợ làm việc 2 ca/ngày và 7 ngày/tuần. Sử dụng nguồn nhân lực
của Trung tâm CNTT và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông để vận
hành.
d) Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống
thông tin khác
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch
ứng dụng CNTT tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Xây dựng Hệ thống sao lưu dữ liệu dự phòng cho các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung trong Trung
tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh.
đ) Phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ
chuyên trách CNTT để thực hiện tốt các dự án CNTT và chỉ đạo, vận hành Chính
quyền điện tử.
- Tổ chức hội thảo, đào tạo để nâng
cao nhận thức, kiến thức về an toàn thông tin; tổ chức các lớp tập huấn cho cán
bộ, công chức của các cơ quan nhà nước để nâng cao hơn nữa kỹ năng ứng dụng
CNTT trong công tác quản lý, điều hành.
- Cử cán bộ công nghệ thông tin đi dự
các lớp đào tạo chuyên sâu về bảo mật và an toàn, an ninh
thông tin.
- Truyền thông và tập huấn về Chính
quyền điện tử; khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho công
dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Giải pháp thực hiện
a) Huy động nhiều nguồn vốn đảm bảo đầu
tư đồng bộ
- Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ
bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn
trong dân;
- Nguồn vốn từ ngân sách (Ngân sách
Trung ương hỗ trợ chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn
2016-2020 và ngân sách của tỉnh) chủ yếu để đầu tư cho
phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn
nhân lực CNTT;
- Khuyến khích các doanh nghiệp có thể
tự huy động vốn, vay vốn ngân hàng đầu tư mạnh mẽ cho phát
triển ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản
xuất. Ưu tiên cho các doanh nghiệp CNTT trong tỉnh tham gia các dự án CNTT của
tỉnh để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nâng cao trình độ, công nghệ;
- Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân
trong và ngoài tỉnh đầu tư dưới hình thức liên doanh, góp cổ phần hoặc đầu tư
trực tiếp để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên
địa bàn.
b) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNTT
- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế
khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước,
trong tỉnh đầu tư vào CNTT để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Khuyến
khích các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng CNTT ở vùng nông thôn; hỗ trợ
doanh nghiệp sản xuất các phần mềm khuyến khích, hỗ trợ
các doanh nghiệp tăng đầu tư cho ứng dụng CNTT;
- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực
CNTT như: Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với các cán bộ công chức có bằng
chuyên môn về CNTT hoặc tương đương được phân công trực tiếp
quản lý, điều hành việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà
nước.
c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
CNTT
- Kiện toàn bộ máy cán bộ công tác
trong lĩnh vực CNTT các cấp như: Đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ CNTT của
các cơ quan nhà nước;
- Truyền thông và tập huấn về khai
thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho công dân và doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
4. Tổng kinh phí
thực hiện Kế hoạch (dự kiến): 49.310.000.000 đồng (Bốn
mươi chín tỷ, ba trăm mười triệu đồng chẵn); trong đó:
- Kinh phí Trung ương hỗ trợ:
20.000.000.000 đồng;
- Kinh phí địa phương và các nguồn
huy động: 29.310.000.000 đồng.
5. Tổ chức thực hiện
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh.
b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư cân đối ngân sách sự nghiệp và các nguồn vốn khác đảm bảo kinh phí thực hiện
Kế hoạch này.
c) Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này
xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 của ngành, đơn vị mình;
chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các dự án phát triển
và ứng dụng CNTT khi được phân công.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc
Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Giang
|