Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Số hiệu 31/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/07/2008
Ngày có hiệu lực 18/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 31/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 08 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGÀNH ĐIỀU TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Đề cương và dự toán quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 87/TTr-SNN ngày 19/5/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 với các nội dung sau:

1. Tên báo cáo quy hoạch: Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020.

Đơn vị tư vấn: Công ty Cổ phần Đất Việt - TP. Hồ Chí Minh.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước.

3. Quan điểm, định hướng phát triển, mục tiêu quy hoạch.

3.1. Quan điểm quy hoạch.

- Xác định vùng sản xuất Điều tập trung nhằm đảm bảo cung cấp đủ và ổn định nguồn nguyên liệu có chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy chế biến hạt Điều đóng trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo tiền đề cho các dự án đầu tư về giống, cải tạo vườn Điều đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng Điều.

- Xây dựng phương án sản xuất tiên tiến mang lại hiệu quả cao cho người dân trồng Điều trong vùng quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Phát triển ngành Điều bền vững, trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ.

- Phát triển công nghiệp chế biến Điều theo hướng công nghiệp hiện đại với bước đi phù hợp, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến đồng thời với nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường xuất khẩu nhân điều và tiêu thụ trong nước.

3.2. Định hướng phát triển.

- Phát huy tối đa các lợi thế phát triển theo hướng tập trung, chuyển đổi mạnh từ trồng trọt và chế biến phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Phát triển ngành Điều gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, đồng thời với ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với xây dựng vùng chế biến (kể cả các sản phẩm phụ) để tạo ra ngày một nhiều sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

- Tạo môi trường thuận lợi cho ngành điều phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ vốn xây dựng trang trại các cơ sở chế biến tập trung, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến,… Đồng thời, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám định sản phẩm để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi có kết quả.

3.3. Mục tiêu quy hoạch.

3.3.1. Mục tiêu chung:

- Tạo bước đột phá về sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất điều từ 23% năm 2006 lên khoảng 33% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp vào năm 2010.

- Chủ động kiểm soát sản lượng, chất lượng khắc phục tình trạng gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong và ngoài nước.

- Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý (thấp), có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Khai thác triệt để các lợi thế đất đai, lao động, giống để nâng cao, giữ vững tốc độ phát triển ngành Điều.

- Phát triển sản xuất, chế biến Điều trong thời gian tới phải đảm bảo khai thác tốt nhất cả 3 lợi ích: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của cả nước.

- Áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, hình thành các vùng trồng Điều tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến với bước đi phù hợp, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

[...]