Quyết định 31/2005/QĐ-UB về ban hành Phương án quy hoạch về hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Qui định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 31/2005/QĐ-UB
Ngày ban hành 17/02/2005
Ngày có hiệu lực 04/03/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 31/2005/QĐ-UB 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2005 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH VỀ HỆ THỐN CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC,GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010 VÀ QUI ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố
Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Chỉ thị số 403/TTg ngày 11 tháng 7 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư Liên bộ số 05 LB/TT ngày 24 tháng 5 năm 1997 của Liên Bộ Thương mại và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn những điều kiện trong giết mổ, buôn bán và vận chuyển lợn, trâu, bò;
Căn cứ Tiêu chuẩn Việt Nam về yêu cầu vệ sinh cơ sở giết mổ TCVN 5452-91 ban hành ngày 17 tháng 7 năm 1991;
Xét đề nghị của Sở Thương mại tại tờ trình số 4639A/TM ngày 27 tháng 12 năm 2004 và của Chi cục Thú y tại tờ trình số 1206/CV-CCTY ngày 28 tháng 12 năm 2004;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Phương án quy hoạch về hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Qui định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Sở Thương mại có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Công an thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Thú y có kế hoạch triển khai hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện Phương án quy hoạch về hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Qui định về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện tốt Phương án và Qui định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Y Tế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nội vụ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện; Thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :
- Như trên
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố
- UBMTTQVN và các Đoàn thể TP
- Văn phòng và các Ban Thành ủy
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố
- VPHĐ-UB : các PVP
- Các Tổ NCTH
- Lưu (TM/L).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
 
Nguyễn Thiện Nhân

 

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

VỀ HỆ THỐNG CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2005 của UBND thành phố Hồ Chí Minh).

Phần thứ nhất:

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG GIẾT MỔ, LƯU THÔNG, KINH DOANH, TIÊU THỤ GIA SÚC, GIA CẦM VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LĨNH VỰC NÀY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từ nay đến năm 2010, đi đôi với việc đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hóa của các ngành, các lĩnh vực then chốt, thực hiện đồng thời việc cải tạo, chỉnh trang và đầu tư phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính và văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời đảm bảo nếp sống văn minh đô thị vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, việc bố trí các cơ sở giết mổ như hiện nay không còn phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân cư đô thị, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ về lây truyền dịch tễ cho đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đợt dịch cúm gia cầm vừa qua đã làm nổi rõ những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng của hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và yêu cầu di dời hoạt động giết mổ ra khỏi khu dân cư ngày càng trở nên cấp bách. Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giết mổ ở thành phố với định hướng lâu dài là một nhu cầu hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

I . ĐẶC ĐIỂM GIẾT MỔ, LƯU THÔNG VÀ KINH DOANH GIA SÚC GIA CẦM:

Các hoạt động liên quan đến giết mổ lưu thông, kinh doanh gia súc, gia cầm có một số đặc điểm khách quan riêng biệt cần hết sức quan tâm trong vấn đề quy hoạch :

1. Hoạt động ảnh hưởng đến môi trường đồng thời chịu sự tác động bởi môi trường bên ngoài:

Bản thân hoạt động của các cơ sở giết mổ tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi truờng do việc vận chuyển, tiếp nhận động vật sống và trong quá trình sản xuất tạo ra tiếng ồn, mùi hôi, đặc biệt chất thải, nước thải nếu không được xử lý đúng mức. Tuy nhiên, sản phẩm tạo ra sau khi giết mổ lại là nguồn thực phẩm cho con người và cũng chịu một nguy cơ cao bị vấy nhiễm từ môi trường bên ngoài trong quá trình giết mổ và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.

Đây là đặc điểm rất quan trọng cần lưu ý trong việc quy hoạch cơ sở giết mổ nhất là khi đưa vào các khu công nghiệp tập trung.

2. Tập quán tiêu dùng:

Hiện nay, tập quán sử dụng thịt nóng trong tiêu dùng và trong chế biến vẫn còn phổ biến trong nhân dân. Người tiêu dùng chưa có ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm động vật đã được kiểm tra của cơ quan thú y, thịt xuất phát từ các cơ sở giết mổ có uy tín hoặc nơi bày bán hợp vệ sinh. Việc lựa chọn chỉ thông qua hình thức bên ngoài và thuận tiện khi mua sản phẩm ....

Đây là tập quán có khả năng vẫn còn tồn tại lâu dài, là một trong những yếu tố tác động gây trở ngại đến nỗ lực nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng. Do đó, để phù hợp với tập quán trên, việc bố trí cơ sở giết mổ không thể không gắn liền với thị trường kinh doanh và mạng lưới tiêu thụ. Tuy nhiên,cũng cần phải từng bước thay đổi tập quán tiêu dùng của người dân để phù hợp với nếp sống văn minh đô thị thông qua việc cải tạo, nâng cấp các chợ đầu mối thực phẩm và phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị chuyên doanh thịt được trang bị hiện đại.

3. Về vấn đề đầu tư:

Thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật chủ yếu là ở thành phố, khó có khả năng mở rộng ra các tỉnh như một số ngành nghề sản xuất khác. Việc mở rộng thị trường chủ yếu dựa vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm động vật, nguồn nguyên liệu cho chế biến và hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị khá cao, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Do đó, đối với những cơ sở có quy mô công suất lớn, quy trình giết mổ đạt tiêu chuẩn chỉ những tổ chức có đủ năng lực về quản lý và tài chính mới có thể thực hiện được.

4. Vấn đề tác động xã hội:

- Việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay chủ yếu ở trình độ còn thấp, thủ công, phần lớn người tham gia vào các hoạt động giết mổ là lao động phổ thông, chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định về vệ sinh trong quá trình sản xuất, từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

[...]