Quyết định 3096/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

Số hiệu 3096/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/11/2012
Ngày có hiệu lực 23/11/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đỗ Thông
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3096/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạchĐầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 3330/TTr-SCT ngày 13 tháng 11 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển

1. Quan điểm

1.1. Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh, phát huy cao độ nội lực kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện. Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao góp phần thiết thực xây dựng Quảng Ninh cơ bản trở thành Tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.

1.2. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh có nền khoa học công nghệ phát triển.

1.3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của tỉnh chủ yếu là dịch vụ và công nghiệp. Từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế thâm hụt lao động, tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.

1.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp về hội nhập, sức cạnh tranh của sản phẩm đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài nhằm phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghiệp sạch, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường.

1.5. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với an ninh trật tự xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển xanh và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng;

- Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tỷ trọng Công nghiệp và Xây dựng trong cơ cấu GDP của Tỉnh năm 2015 là 50% và năm 2020 là 45%.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 14-15%/ năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 13-14%/ năm.

- Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 53.850 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 119.254 tỷ đồng.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng chung

- Phát huy công nghiệp trung ương một cách hài hòa, hợp lý, nhất là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển công nghiệp địa phương, trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và công nghiệp công nghệ cao; Tăng tỷ trọng công nghiệp địa phương trong cơ cấu công nghiệp.

- Hạn chế phát triển khu công nghiệp ở các thành phố, tập trung phát triển lên khu vực phía Tây và phía Bắc của tỉnh, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi bảo quản hàng hóa, điện, cấp thoát nước và hạ tầng xã hội (nhà ở cho công nhân, cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ... của các khu công nghiệp)

- Phát triển công nghiệp theo phương châm huy động tối đa nguồn lực bên trong, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài để phát triển đột phá, coi trọng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng và liên ngành.

[...]