Quyết định 308/1997/QĐ-NH2 về Quy chế lập, sử dụng, kiểm soát, xử lý, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử của Ngân hàng và Tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành

Số hiệu 308/1997/QĐ-NH2
Ngày ban hành 16/09/1997
Ngày có hiệu lực 01/10/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Cao Sĩ Kiêm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Kế toán - Kiểm toán,Công nghệ thông tin

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 308/1997/QĐ-NH2

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 308/1997/QĐ-NH2 NGÀY 16-9-1997 "BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ LẬP, SỬ DỤNG, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ, BẢO QUẢN VÀ LƯU TRỮ CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ CỦA CÁC NGÂN HÀNG VÀ TỔ CHỨC TÍN DỤNG"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệch Ngân hàng, Hợp tác xã Tín dụng và Công ty Tài chính ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 196/TTg ngày 1-4-1997 của thủ tướng chính phủ về việc sử dụng các dữ liệu thông tin trên vật mang tin để làm chứng từ kế toán và thanh toán của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng;
Theo đề nghị của Vụ tryưởng Vụ Kế toán Tài chính Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế về lập, sử dụng, kiểm soát, xử lý, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ kế toán Tài chính, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc, Giám đốc Tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ LẬP, SỬ DỤNG, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ, BẢO QUẢN VÀ LƯU TRỮ CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ CỦA CÁC NGÂN HÀNG VÀ TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 308-QĐ/NH2 ngày 16-09-1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm chứng từ điện tử:

Chứng từ điện tử quy định trong quy chế này là các căn cứ chứng minh bằng dữ liệu thông tin trên vật mang tin( như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán...) về nghiệp vụ kinh tế tài chính đã phát sinh và thực sự hoàn thành và là cơ sở để ghi chép vào sổ sách kế toán của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi và điều kiện sử dụng:

1 - Đối tượng sử dụng

Quy chế này được áp dụng đối với các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) và đối với khách hàng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia thanh toán điện tử.

2 - Phạm vi sử dụng;

Chứng từ điện tử được lập và sử dụng đối với các nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực thanh toán như thanh toán liên ngân hàng, thanh toán giữa các Ngân hàng thanh toán bù trừ hoặc thanh toán giữa Ngân hàng với khách hàng.

Các nghiệp vụ sau đây bắt buộc phải lập chứng từ giấy, không được sử dụng chứng từ điện tử: Nghiệp vụ cho vay; huy động tiền gửi tiết kiệm, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu... và các nghiệp vụ thu, chi tài chính khác không thuộc hoạt động thanh toán.

3. Điều kiện sử dụng:

a/ Đối với các Ngân hàng: Ngân hàng sử dụng chứng từ điện tử phải có đủ điều kiện sau:

- Có địa điểm, nguồn điện, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, các thiết bị máy tính đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử.

- Có đội ngũ cán bộ đủ khả năng, trình độ tương ứng với yêu cầu kỹ thuật để thực hiện quy trình hạch toán kế toán và thanh toán.

- Trường hợp sử dụng chứng từ điện tử để thanh toán giữa các Ngân hàng thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận và cho phép bằng văn bản.

b/ Đối với khách hàng: Khách hàng muốn sử dụng chứng từ điện tử để giao dịch thanh toán với Ngân hàng phải có văn bản đề nghị và thoả thuận với Ngân hàng (nơi mở tài khoản) về:

- Chữ ký điện tử của Chủ tài khoản và của Kế toán trưởng (Trưởng phòng kế toán hay người phụ trách kế toán) hoặc người được Chủ tài khoản, Kế toán trưởng (Trưởng phòng kế toán hay người phụ trách kế toán) uỷ quyền ký trên chứng từ điện tử khi giao dịch với Ngân hàng;

[...]