ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3007/QĐ-UBND
|
Kiên Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRẠM BƠM ĐIỆN VỪA VÀ NHỎ TỈNH KIÊN GIANG
ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6
năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và
quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số
04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một
số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc lập, phê
duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số
03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008
của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số
1446/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Đề án phát triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ khu vực đồng bằng sông Cửu
Long;
Căn cứ Biên bản số
152/BB-HĐTĐ ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm định về việc họp Hội
đồng thẩm định Quy hoạch phát triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tỉnh Kiên
Giang đến năm 2020;
Xét nội dung Quy hoạch phát
triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và đề nghị
của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
280/TTr-SNNPTNT ngày 11 tháng 12 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát
triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tỉnh Kiên Giang đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tỉnh
Kiên Giang đến năm 2020, với nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch
phát triển trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tỉnh Kiên Giang đến năm 2020.
2. Cơ quan quản lý quy hoạch:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu chính là
vùng đất liền tỉnh Kiên Giang với diện tích tự nhiên khoảng 556.000ha.
Đối tượng nghiên cứu quy hoạch
là hệ thống trạm bơm điện, hệ thống thủy lợi phối hợp phục vụ chủ động tưới
tiêu như: Hệ thống đê bao bờ bao phân tách ô bơm, hệ thống kênh nguồn, hệ thống
kênh sau trạm bơm, mạng lưới điện.
4. Mục tiêu quy hoạch:
Mục tiêu lâu dài: Xây dựng hệ
thống trạm bơm điện chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản
phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng
sông Cửu Long, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, có xem xét đề phòng những tác động do biến đổi khí hậu và nước
biển dâng.
Các mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng hệ thống trạm bơm
điện cùng công trình bổ trợ đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh đến 2020; phù
hợp với quy hoạch của đồng bằng sông Cửu Long.
- Đề xuất dự án, công trình đầu
tư cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo cơ cấu và sự huy động nguồn
vốn của trung ương, tỉnh và khả năng đóng góp của người dân.
5. Nhiệm vụ quy hoạch:
Quy hoạch hệ thống các trạm bơm
điện phù hợp với quy hoạch thủy lợi, quy hoạch hệ thống lưới điện các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long;
Sửa chữa, nâng cấp và hoàn
thiện các trạm bơm điện đang hoạt động, đã xuống cấp để phát huy hết công suất
thiết kế, thay thế các trạm bơm dầu hiện có và xây dựng mới trạm bơm điện ở
những nơi có điều kiện;
Xây dựng các trạm bơm điện ở
vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống;
Nghiên cứu xây dựng cơ chế,
chính sách nhằm tăng cường xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý
các trạm bơm điện, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát triển bền vững;
Xây dựng mô hình tổ chức quản
lý, vận hành và khai thác các trạm bơm điện hiệu quả, phù hợp với tập quán của nông,
ngư dân của tỉnh;
Tiếp tục đầu tư xây thay thế
hầu hết các trạm bơm dầu, xây dựng mới các trạm bơm điện, hình thành hệ thống
các trạm bơm điện theo quy hoạch;
Nhân rộng các mô hình xã hội
hóa về đầu tư, quản lý vận hành, khai thác các trạm bơm trong từng địa phương
và cả vùng.
6. Phương án lựa chọn quy mô ô
bơm
Phương án lựa chọn các ô bơm
trong vùng nghiên cứu đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh đến 2020; phù hợp
với quy hoạch của đồng bằng sông Cửu Long, các ô này được lựa chọn nhằm đề xuất
xây dựng mô hình tưới tiêu hiệu quả từ công trình đầu mối trạm bơm điện đến hệ thống
chuyển nước sau bơm… cho các đặc thù sản xuất và chịu tác động từ bơm khác
nhau. Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ ngành điện tập trung đầu tư xây dựng đường
dây trung thế và trạm biến áp, làm cơ sở để phát triển các trạm bơm điện.
- Khu vực tưới bằng động lực và
bơm tiêu lũ là chính, bao gồm các huyện: Hà Tiên, Giang Thành, Hòn Đất, Kiên
Lươmg (diện tích ô bao phần lớn từ 100÷200ha).
- Khu vực tưới bằng động lực và
bơm tiêu mưa là chính, bao gồm các huyện: Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò
Quao, thành phố Rạch Giá (diện tích ô bao phần lớn từ 50÷200ha; tuy nhiên, ô bơm
tại một số xã điểm áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn như tại xã Định Hòa, huyện
Gò Quao và xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá có diện tích ô bơm là 500ha).
- Khu vực tưới bằng động lực và
bơm tiêu môi trường cho tôm + lúa và bơm cấp nước mặn nuôi Tôm, bơm tát nước
mặn ra khỏi ruộng để mưa xuống rửa đất phục vụ cho việc trồng lúa (cho vùng
nuôi trồng thủy sản ven biển), bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận,
U Minh thượng (diện tích ô bao phần lớn từ 50÷100ha).
7. Giải pháp chính:
7.1. Giải pháp về quy hoạch:
Quy hoạch hệ thống các trạm bơm
điện phải phù hợp quy hoạch sản xuất, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống đê bao, bờ
bao, cống bọng, giao thông nội đồng của từng địa phương, đảm bảo hài hòa và sử
dụng lâu dài, hiệu quả;
Quy hoạch các trạm bơm điện
phải gắn với xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi từ đầu mối, kênh
mương, đê bao, bờ bao, cống bọng và các công trình nội đồng, đồng thời phải
trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới cung cấp điện của từng vùng, từng địa
phương, nhằm giảm tổn thất về nước và tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ.
7.2. Về
kỹ thuật:
Nghiên cứu, đề xuất các thông
số máy bơm, trạm bơm, trạm biến áp phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh Kiên
Giang, diện tích phục vụ sản xuất và loại hình sản xuất, máy bơm đồng bộ với
động cơ điện 03 pha phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện ngập lũ, địa chất nền
móng yếu và đặc thù trạm bơm phù hợp với tỉnh Kiên Giang.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ
thống thủy lợi nội đồng (đê bao, bờ bao, cống bọng,...) của tỉnh Kiên Giang theo
hướng cơ giới hóa nông nghiệp.
Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống
trạm bơm điện vừa và nhỏ của tỉnh theo từng giai đoạn, bao gồm ô bơm, bờ bao,
nhà trạm, hệ thống lưới điện phục vụ yêu cầu phát triển các vùng chuyên canh
với các mô hình cấp nước, thoát nước, tiêu nước thích hợp với nhu cầu dùng nước
của từng loại cây trồng (lúa, màu, nuôi thủy sản) theo các mô hình trạm bơm mẫu
cấp nước, tiêu thoát nước. Đồng thời, phải đảm bảo đấu nối đồng bộ với hệ thống
kênh mương các cấp; bờ các tuyến kênh nội đồng chính có bề mặt đủ rộng để kết hợp
với đường nội đồng đi lại trong mùa khô, đáp ứng giao thông nội đồng theo tiêu
chí nông thôn mới.
7.3. Giải pháp
về vốn:
Vốn thực hiện đề án được huy
động từ nhiều nguồn: Hỗ trợ của ngân sách nhà nước khoảng 30% còn lại là vốn
của các doanh nghiệp, cá nhân, vốn vay và lồng ghép nguồn vốn các chương trình
đề án đã và đang thực hiện trên cùng địa bàn.
Sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu
đãi theo Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg
ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng
đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố
hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy
sản và hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015.
Huy động sự tham gia, đóng góp
của cộng đồng dân cư thông qua công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng, củng cố
hệ thống bờ bao, cống bọng, nạo vét kênh mương và cải tạo đồng ruộng, đóng góp
chi phí duy tu, sửa chữa, vận hành các trạm bơm.
7.4. Giải pháp tăng cường quản lý, vận hành:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
đạo và phân cấp Ủy ban nhân dân cấp dưới tổ chức việc giao, đấu thầu cho tổ,
đội sản xuất, các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, vận hành các trạm
bơm điện; các đơn vị chức năng có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ về mặt kỹ
thuật;
Củng cố, kiện toàn và thành lập
mới các tổ hợp tác dùng nước (Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm
2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác) đảm bảo đủ năng lực
quản lý, vận hành các trạm bơm quy mô phục vụ trong địa bàn cấp xã;
Khuyến khích các tổ chức, các
nhân đầu tư hoặc nhận thầu để quản lý, vận hành các trạm bơm, theo quy định cụ
thể của từng địa phương;
Xây dựng quy trình vận hành các
trạm bơm điện phù hợp lịch thời vụ sản xuất, lịch cấp điện, tránh giờ cao điểm
nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trạm bơm.
7.5. Giải pháp về cơ chế, chính
sách:
Thực hiện Điều 3 Nghị định số 88/2005/NĐ-CP
ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến
khích phát triển hợp tác xã.
Nghị định số 151/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.
Triển khai thành lập các hợp
tác xã dùng nước (PIM) theo Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20 tháng 12 năm
2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn việc thành
lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước.
Chính quyền địa phương hướng
dẫn gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số
56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 về việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp
quy mô nhỏ và vừa.
Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn
Trung ương hỗ trợ miễn thu bù thủy lợi phí hàng năm để đầu tư nâng cấp hệ thống
thuỷ lợi trong tỉnh.
Xem xét cân đối nguồn vốn vay
từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh Kiên Giang hỗ trợ cho vay đầu tư bơm điện và
hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.
8. Trình tự thực hiện Quy hoạch.
8.1. Giai đoạn từ 2013 đến 2020:
Đầu tư 1.521 trạm bơm điện quy
mô vừa và nhỏ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai
đoạn từ 2013 - 2020 khoảng 2,6 ngàn tỷ đồng.
8.2. Giai đoạn sau năm 2020:
Đầu tư 1.500 trạm bơm điện quy
mô vừa và nhỏ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai
đoạn sau năm 2020 khoảng 2,6 ngàn tỷ đồng.
(Chi tiết kèm theo phụ lục 01,
02)
Vốn đầu tư của trạm bơm điện
chủ yếu được huy đồng từ 02 nguồn chính:
* Nguồn vốn từ ngân sách ưu đãi
của Nhà nước:
- Hệ thống điện phục vụ trạm
bơm (sử dụng vốn ưu đãi cho ngành điện) theo Quyết định số 8054/QĐ-BCT ngày 27
tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển
điện lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
- Xây dựng Trạm bơm mô hình điểm
cho xã nông thôn mới, vùng cánh đồng mẫu lớn... (10% hệ thống nhà trạm).
- Bờ bao ô bơm, hệ thống cống
bọng, nạo vét kênh mương chính: Sử dụng lồng ghép nguồn vốn cấp bù thuỷ lợi phí
theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về việc
quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
* Nguồn vốn huy động từ nhân
dân, theo sự đầu tư cá thể hoặc tổ hợp tác hay hợp tác xã:
- Nội đồng như đường nước,
mương dẫn, bờ vùng bờ thửa dân tự làm;
- Nhà trạm đầu tư theo mô hình
dân tự đóng góp (90% hệ thống nhà trạm);
- Trạm bơm nâng cấp sửa chữa
(dân tự nâng cấp).
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và
Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày ký ./.