Quyết định 8054/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 8054/QĐ-BCT
Ngày ban hành 27/12/2012
Ngày có hiệu lực 27/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Dương Quang
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8054/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;

Căn cứ Quyết định số 6941/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của Bộ Công Thương năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 3061/QĐ-BCT ngày 04 tháng 06 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu “Lập quy hoạch phát triển điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét Hồ sơ đề án quy hoạch do Viện Năng lượng lập vào tháng 11 năm 2012 kèm theo Văn bản số 1048/TTr-VNL-P8 ngày 8 tháng 10 năm 2012 và văn bản số 1311/VNL-P8 ngày 04 tháng 12 năm 2012;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển điện lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Viện Năng lượng (IE) lập với các nội dung chính như sau:

1. Định hướng phát triển

a) Định hướng chung

- Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương trong vùng, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.

- Phát triển lưới điện truyền tải phải đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt được hiệu quả đầu tư chung của hệ thống điện quốc gia và khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch khác của vùng và các địa phương trong vùng.

- Phát triển lưới điện truyền tải 500kV và 220kV nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm huy động thuận lợi các nguồn điện trong mùa mưa, mùa khô và huy động các nguồn điện trong mọi chế độ vận hành của hệ thống điện và thị trường điện.

- Phát triển lưới điện 220kV và 110kV, hoàn thiện mạng lưới điện khu vực nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo lưới điện trung áp sang cấp điện áp 22kV và điện khí hóa nông thôn.

- Xây dựng các đường dây truyền tải điện có dự phòng cho phát triển lâu dài trong tương lai, sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung trên một hàng cột để giảm diện tích chiếm đất. Đối với các thành phố, các trung tâm phụ tải lớn, sơ đồ lưới điện phải có độ dự trữ và tính linh hoạt cao hơn; thực hiện việc hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện tại các thành phố, thị xã, hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.

- Từng bước hiện đại hóa lưới điện, cải tạo, nâng cấp các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và tự động hóa của lưới điện; nghiên cứu sử dụng các thiết bị FACTS, SVC để nâng cao giới hạn truyền tải; từng bước hiện đại hóa hệ thống điều khiển lưới điện.

b) Tiêu chí phát triển lưới điện 500kV

- Cấu trúc lưới điện: Được đầu tư với mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn độ tin cậy n-1 cho các thiết bị chính và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Quy định lưới điện truyền tải.

- Trạm biến áp 500/220kV: Được thiết kế với cấu hình đầy đủ tối thiểu là hai (02) máy biến áp với công suất của mỗi máy biến áp từ 450MVA - 1200MVA.

- Tiết diện dây dẫn: Sử dụng dây dẫn phân pha nhiều sợi, phân pha ≥ 4 dây, tiết diện một sợi tối thiểu là 330mm2.

c) Tiêu chí phát triển lưới điện 220-110kV

- Cấu trúc lưới điện: Được thiết kế đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng trong chế độ làm việc bình thường và sự cố đơn lẻ theo các quy định hiện hành đồng thời phải đảm bảo dự phòng cho phát triển ở giai đoạn kế tiếp.

- Đường dây 220-110kV: Ưu tiên sử dụng loại cột nhiều mạch để giảm hành lang tuyến các đường dây tải điện.

- Trạm biến áp 220-110kV: Được thiết kế với cấu hình quy mô hai máy biến áp.

[...]