Quyết định 299/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015

Số hiệu 299/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2012
Ngày có hiệu lực 18/06/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Mai Thanh Thắng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 299/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020;

Căn cứ Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án: Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015.

2. Mục tiêu của Đề án: Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. Gắn mục tiêu đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015. Cụ thể:

- Phấn đấu từ năm 2012-2015 đào tạo nghề cho khoảng 100.300 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%;

- Có 85% sinh viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng nghề có việc làm, 80% học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề có việc làm, 85% người lao động sau khi học trình độ sơ cấp nghề có việc làm và tạo việc làm.

3. Nội dung thực hiện Đề án:

a. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về dạy nghề:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhanh và bền vững tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.

- Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề và học nghề.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng đối với cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề, trước hết các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đào tạo nghề 5 năm và hàng năm. Phải quy định cụ thể trách nhiệm từng cấp, từng ngành... có kế hoạch kiểm tra, giám sát và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp mình, đơn vị mình.

b. Thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đạt chuẩn trường trọng điểm Quốc gia, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn thành trường trọng điểm của tỉnh, đầu tư một số nghề trọng điểm Quốc gia, tập trung đầu tư và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Bình Định, tiếp tục củng cố các trung tâm dạy nghề hiện có và đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề Hoài Ân đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời gian đến. Riêng 03 huyện nghèo (Huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) gắn Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp với dạy nghề.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề ngoài công lập theo quy hoạch.

c. Dạy nghề:

- Giai đoạn 2012-2015: Phấn đấu đào tạo nghề khoảng: 100.300 người. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo bước chuyển biến tích cực, số lượng học sinh, sinh viên và người lao động sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm chiếm khoảng 85% trở lên.

d. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề:

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề:

+ Tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề đảm bảo năng lực và quy mô đào tạo. Thực hiện tốt Quyết định số 826/QĐ- BLĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động - TBXH về phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm. Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị công lập theo Nghị định số 43/2006 NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

[...]