Quyết định 296-CP năm 1978 sửa đổi chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 296-CP
Ngày ban hành 20/11/1978
Ngày có hiệu lực 20/11/1978
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 296-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1978 

 

QUYẾT ĐỊNH

BỔ SUNG VÀ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VỀ HƯU VÀ NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 24-12-1977 của Ban bí thư trung ương Đảng và các quy định trước đây của Hội đồng Chính phủ đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Những cán bộ hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đủ tiêu chuẩn như Ban bí thư trung ương Đảng quy định, khi về hưu ngoài trợ cấp 75% tiền lương theo chế độ chung, hàng tháng còn được ưu đãi bằng 5% tiền lương và cứ có mỗi năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 thêm 1%. Trường hợp trước đây đã hưởng trợ cấp cao hơn thì giữ nguyên.

Những cán bộ hoạt động từ trước Các mạng tháng Tám năm 1945 nhưng lâu nay công tác ở xã, phường, thị trấn nay già yếu được trợ cấp 25 đồng/tháng, nếu có 10 năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 trở lên được trợ cấp 30 đồng/tháng. Các chế độ khác được hưởng như đối với cán bộ xã. Ngân sách địa phương đài thọ các khoản trợ cấp này.

Điều 2. – Cán bộ, công nhân, viên chức về hưu nếu có thời gian công tác liên tục đủ 25 năm thì được trợ cấp một lần khi mới về hưu bằng 2 tháng lương (dưới 25 năm vẫn trợ cấp 1 tháng lương như cũ); đủ 30 năm được trợ cấp 3 tháng lương; đủ 35 năm trở lên được trợ cấp 4 tháng lương.

Điều 3. - Tiền lương để làm cơ sở tính trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức gồm lương chính cộng với phụ cấp khu vực (nếu có), không tính các phụ cấp khác như phụ cấp làm việc độc hại, thâm niên nghề nghiệp…

Điều 4. – Cán bộ, công nhân, viên chức về hưu chưa có nhà ở nếu không có điều kiện giải quyết sẽ được chính quyền địa phương ưu tiên giải quyết nhà ở. Trường hợp nhà cửa hư nát hoặc quá chặt hẹp thì được chính quyền địa phương tuỳ khả năng giúp đỡ giải quyết: hoặc cho đổi chỗ ở, hoặc bán cho một số vật liệu làm nhà (không chủ trương bán vật liệu làm nhà nhất loạt cho mọi người về hưu). Nếu cơ quan cần sử dụng ngôi nhà của người về hưu đang thuê thì cơ quan có trách nhiệm sắp xếp chỗ ở khác theo như tiêu chuẩn đối với cán bộ đang công tác.

- Những người về hưu mà không có con cháu trực tiếp săn sóc thì chính quyền địa phương đưa vào nhà dưỡng lão; trước mắt Bộ Thương binh và xã hội bàn với các tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) dành một số nhà dùng cho việc này, về lâu dài, từng địa phương phải có kế hoạch xây dựng nhà dưỡng lão.

- Nơi nào đã làm nhà riêng cho cán bộ về hưu thì nhà đó vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, người ở phải trả tiền thuê nhà theo quy định chung (từ nay trở đi các địa phương và các ngành không nên làm nhà riêng cho cán bộ về hưu).

Điều 5. – Cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc nghỉ vì mất sức có chế độ trợ cấp thường xuyên được hưởng các chế độ về khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phiếu thực phẩm, như cán bộ đang công tác ở khu vực hành chính.

Điều 6. - Để bảo đảm điều kiện sinh hoạt bình thường, cán bộ khi về hưu được cấp hẳn những thứ đồ dùng thuộc sinh hoạt mà khi đang công tác đã mượn của Nhà nước theo tiêu chuẩn (giường, tủ, bàn, ghế, quạt điện). Những thứ mượn ngoài tiêu chuẩn phải trả lại cơ quan.

Đối với những cán bộ khi đang công tác có tiêu chuẩn sử dụng xe con, khi nghỉ được sử dụng trong những trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan cũ hoặc cơ quan quản lý cán bộ về hưu của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ sắp xếp; đối với một số cán bộ cao cấp tiêu biểu của Đảng và Nhà nước có những yêu cầu cần thiết khác thì chính quyền địa phương cần chú ý giải quyết.

Điều 7. - Đối với cán bộ, công nhân, viên chức về nghỉ, các địa phương tuỳ theo sức khoẻ và khả năng của từng người mà giao công tác thích hợp để các đồng chí tiếp tục cống hiến sức mình cho cách mạng. Trường hợp cần thiết nếu giao cho các đồng chí giữ các trách nhiệm từ cán bộ chủ chốt xã trở lên thì có thù lao thêm. Điều cần chú trọng là phải bồi dưỡng để các đồng chí luôn luôn quán triệt tình hình nhiệm vụ, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng mọi hình thức phù hợp.

Cơ quan cũ cần chú ý thăm hỏi các đồng chí nhân những ngày lễ lớn, khi đau yếu,…

Các tỉnh, thành phố, chú ý mời các đồng chí lão thành tiêu biểu dự lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn, hoặc tham dự các cuộc đại hội của địa phương.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức hoạt động lâu năm. Viện huân chương cần phối hợp với Ban tổ chức của trung ương Đảng và Ban tổ chức của trung ương nghiên cứu hình thức khen thưởng và tổ chức khen thưởng vào những dịp thích hợp.

Điều 8. – Quyết định này thi hành cho cán bộ, công nhân, viên chức (bao gồm cả quân nhân) về nghỉ từ nay về sau và có hiệu lực từ ngày ký. Riêng điều 01 và điều 3 của quyết định này thì áp dụng cho cả cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 đã về hưu từ trước và cho hưởng từ ngày 01 tháng 01 năm1978.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội, đồng chí Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ, thủ trưởng các ngành có liên quan, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

Phạm Hùng

 

10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ