Quyết định 29/2024/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu | 29/2024/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 16/08/2024 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/2024 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký | Phạm Ngọc Nghị |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2024/QĐ-UBND |
Đắk Lắk, ngày 16 tháng 8 năm 2024 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;
Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 135/TTr-SNN ngày 23/7/2024 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sau đây gọi tắt là Chi cục) là tổ chức hành chính trực thuộc Sở NN&PTNT, giúp Giám đốc Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định của pháp luật chuyên ngành và thuộc phạm vi lĩnh vực được giao trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở NN&PTNT; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Bộ NN&PTNT theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định.
3. Trụ sở của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
1. Giúp Giám đốc Sở NN&PTNT thực hiện chức năng tham mưu UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về trồng trọt, bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật về trồng trọt, bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
a) Tham mưu, trình UBND tỉnh dự thảo quyết định liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật thuộc phạm vi quản lý của Sở NN&PTNT và các văn bản khác theo phân công của UBND tỉnh.
b) Tham mưu, trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật thuộc phạm vi quản lý của Sở NN&PTNT trên địa bàn tỉnh.
c) Tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền: Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương, cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn; kế hoạch phát triển trồng trọt của địa phương; chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kế hoạch phòng chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật nội địa.
2. Giúp Giám đốc Sở NN&PTNT thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật:
a) Chỉ đạo thực hiện cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn; tổ chức phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt trên địa bàn tỉnh và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
b) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện hoạt động trồng trọt; phát triển vùng sản xuất cây trồng, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng, bảo vệ và cải tạo nâng cao độ phì đất nông nghiệp, chống xói mòn, sa mạc hóa và sạt lở đất; thực hiện cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm dịch nội địa về thực vật trên địa bàn tỉnh theo quy định.
d) Tổ chức thực hiện quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
đ) Quản lý và sử dụng dự trữ địa phương về giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư hàng hóa thuộc lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh sau khi được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
e) Hướng dẫn và tổ chức xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp.