Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 280/1999/QĐ-BTP về Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 280/1999/QĐ-BTP
Ngày ban hành 27/09/1999
Ngày có hiệu lực 12/10/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 280/1999/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP SỐ 280/1999/QĐ-BTP NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN, DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Điều 16 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN, DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 280/1999/QĐ-BTP ngày 27 tháng 9 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là dự án, dự thảo) là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về hình thức và nội dung của dự án, dự thảo nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án, dự thảo trong hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời có ý kiến về tính khả thi của dự án, dự thảo.

Việc thẩm định dự án, dự thảo phải bảo đảm chất lượng và theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định tại Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của Quy chế này.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh của Quy chế

1. Quy chế này quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định dự án, dự thảo sau đây:

a) Dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

b) Dự án luật, pháp lệnh do cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà Chính phủ có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản;

c) Dự thảo nghị quyết, nghị định trình Chính phủ.

2. Quy chế này cũng quy định trình tự, thủ tục tham gia ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Phụ trách công tác thẩm định

1. Bộ trưởng phụ trách chung và tổ chức việc thẩm định dự án, dự thảo, bảo đảm chất lượng và thời hạn thẩm định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ và quy định của Quy chế này.

2. Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công tác thẩm định trong các lĩnh vực theo sự phân công của Bộ trưởng. Đối với những dự án, dự thảo có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, chính sách mà chưa được pháp luật quy định và các vấn đề quan trọng khác cần thể hiện quan điểm của Bộ, ngành khi thẩm định thì Thứ trưởng phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

3. Thứ trưởng thường trực phụ trách chung công tác thẩm định khi Bộ trưởng vắng mặt; giải quyết công việc liên quan đến công tác thẩm định được phân công cho Thứ trưởng khác phụ trách khi Thứ trưởng đó vắng mặt.

Điều 4. Nguyên tắc phân công thẩm định

[...]