Quyết định 28/2009/QĐ-UBND quy định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 28/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/05/2009
Ngày có hiệu lực 22/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2009/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 12 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 03 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Quyết định số 170/2007/QĐ-TTG ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006 – 2010;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND7 ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII – kỳ họp lần thứ 13 ( kỳ họp chuyên đề) về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Xét Tờ trình liên sở số 10/TTr LS-SYT-STC ngày 27/02/2009 của Sở Y tế và Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

1. Thực trạng, thách thức đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình:

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về dân số - gia đình – trẻ em; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được một số kết quả quan trọng: khắc phục được sự tăng nhanh dân số, khôi phục được tiến trình giảm sinh của tỉnh; tiếp tục duy trì đạt mức sinh thay thế trong nhiều năm liền; chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong cả nước và của tỉnh có nhiều biến động đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả đã đạt được, thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số trở lại, đặc biệt tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên không giảm mà có nguy cơ tăng trong thời gian tới cũng như xuất hiện dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng dân số vẫn còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội. Nếu không khắc phục kịp thời tình hình này thì không những không đạt các chỉ tiêu dân số đã đề ra đến năm 2010 mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về dân số đã đạt được trong thời gian qua, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

a) Quy mô dân số ngày một lớn:

Mặc dù tỉnh đã đạt và duy trì mức sinh thay thế qua nhiều năm ( 2003 đến nay) và tỉ suất sinh hàng năm đều giảm, đạt hoặc vượt chỉ tiêu giao ( trung bình đạt 0,6 – 0,8%o), song quy mô dân số của tỉnh ngày một lớn nhanh, chủ yếu là tăng do cơ học, nhập cư. Ước tính, hàng năm tỉnh tăng thêm trên 40.000 – 45.000 người lao động từ ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống và khoảng 15.000 – 16.000 trẻ ra đời hàng năm. Năm 2008, dân số trung bình của tỉnh Bình Dương là 1.106.327 người ( theo niên giám của Cục Thống kê tỉnh) và hiện nay ước tính có gần 600.000 lao động ngoài tỉnh làm việc tại Bình Dương; trong đó gần 65% là lao động nữ tuổi sinh đẻ, phần lớn là ở khu nhà trọ chưa có hộ khẩu thường trú. Mật độ dân cư không đồng đều, chủ yếu tập trung cao ở các huyện có khu công nghiệp. Nhiều nhu cầu về xã hội chưa đáp ứng kịp thời cho đối tượng này.

b) Mức sinh hàng năm giảm nhưng chưa thật bền vững vì còn tiềm ẩn mức sinh cao:

Mặc dù nhiều năm qua tỉ lệ giảm sinh hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao (từ 0,6-0,8%o) nhưng với lượng nhập cư vào tỉnh ngày một lớn, chủ yếu là phụ nữ trẻ, tuổi sinh đẻ. Do từ trước đến nay, phần lớn nữ công nhân chưa lập gia đình chỗ ở ít ổn định, nên khó quản lý, khi có gia đình và có thai thì hầu hết trở về quê để sinh nên đã không làm tăng tỉ suất sinh cho tỉnh. Sau khi sinh xong nếu trở lại Bình Dương để làm việc thì chỉ làm tăng dân số cơ học. Về lâu dài nếu dân nhập cư này trở thành dân cư thường trú tại Bình Dương và do còn tiềm năng sinh đẻ cao nên sẽ làm cho tỉ suất sinh của tỉnh tăng trở lại. Đây là yếu tố tiềm ẩn, là thách thức cho mức giảm sinh đạt nhưng chưa thật sự bền vững.

c) Tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng và có nguy cơ mất cân bằng giới tính:

Theo báo cáo của Bộ Y tế và thống kê chuyên ngành dân số thì tỉ số giới tính trai/gái khi sinh của tỉnh Bình Dương năm 2006 – 2008 là 116-117/100. Tại tỉnh Bình Dương thì năm 2008 có 753 trường hợp sinh con thứ 3 chiếm tỷ lệ 5,66% tăng 0,66% so với năm 2007 là 5% ( tăng 94 trường hợp so năm 2007). Sinh con thứ 3 trong diện cán bộ, công chức, viên chức cũng có khuynh hướng tăng; năm 2003 có 9 trường hợp, trong năm 2004, 2005 mỗi năm có 18 trường hợp và năm 2006 có 19 trường hợp và năm 2008 có 13 trường hợp.

Với những dự báo nguy cơ tiềm ẩn về tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 có thể tăng trở lại, mất cân bằng về giới tính trai/gái thì các chỉ tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động về Dân số giai đoạn 2006 – 2010 của tỉnh sẽ rất khó đạt.

2. Những khó khăn và nguyên nhân

a) Khó khăn:

- Công tác tổ chức bộ máy dân số dù cố gắng ổn định lại nhưng chưa thật sự hoàn chỉnh. Nhiệm vụ quản lý về dân số, tài sản, con người được chuyển về ngành Y tế quản lý; quá trình đó dẫn đến các cơ sở chuyển đi rồi chuyển lại nên thiếu bảo quản, xuống cấp, thanh lý hư hỏng, việc bổ sung chưa kịp thời.

- Nguồn nhân lực chưa ngang tầm; tuyến tỉnh, huyện thiếu cán bộ có kinh nghiệm nhiệt tình công tác; biên chế ít và khó tuyển nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chỉ có 16 trong khi Trung ương giao ít nhất là 20; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã là 6 trong khi Trung ương giao ít nhất là 6.

- Cán bộ chuyên trách dân số là viên chức của xã làm công tác kiêm nhiệm, tự nguyện, nhiệt tình, đã gắn bó nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm nhưng lại chưa đủ tiêu chuẩn để tuyển thành viên chức tại Trạm y tế. Chỉ có khoảng 20% là đủ chuẩn còn lại là chưa có trình độ trung cấp, hầu hết là đã lớn tuổi, không muốn về ngành y tế vì sợ khó phối hợp với ban ngành sẽ không thuận lợi trong công tác vận động tuyên truyền. Trong khi đó cán bộ mới tuyển phụ trách dân số - kế hoạch hóa gia đình có trình độ chuyên môn y tế, có bằng cấp nhưng lại chưa có kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng, chưa quen với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Số người áp dụng các biện pháp tránh thai trong tỉnh đạt vượt chỉ tiêu giao nhưng cơ cấu biện pháp không bền vững; các biện pháp có tính bền vững cao như đình sản nam – nữ đạt thấp chỉ khoảng 35% kế hoạch. Do người dân có quyền lựa chọn hoặc từ chối sử dụng biện pháp tránh thai mà họ không thích và đình sản là biện pháp ít được lựa chọn nhất.

b) Nguyên nhân:

[...]