Quyết định 09/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 09/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/01/2006
Ngày có hiệu lực 06/02/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 47-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 03 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. 

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
**********

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 47-NQ/TW NGÀY 22 THÁNG 03 NĂM 2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCHDÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2006/QĐ-TTgngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mục tiêu của Chương trình hành động của Chính phủ là cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 03 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, nhằm đạt được mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có hai con) chậm nhất vào năm 2010, tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức hợp lý vào giữa thế kỷ XXI, từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, bảo đảm cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con trước năm 2010 và quy mô dân số khoảng dưới 89 triệu người vào năm 2010; duy trì vững chắc mức giảm sinh trong những năm tiếp theo, tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115 - 120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

b) Triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, phấn đấu đưa chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam lên mức trung bình tiên tiến của thế giới vào năm 2010, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến về chỉ số này trong những năm tiếp theo.

c) Tiến hành đăng ký dân số và xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hình thành hệ thống quản lý dân số thống nhất vào năm 2010, bảo đảm cung cấp các thông tin, dữ liệu dân số kịp thời, đầy đủ, chính xác phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình của các cấp, các ngành

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở nhằm làm cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, đặt công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình thành một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội.

b) Tiến hành kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách và thực hiện các chỉ tiêu dân số và kế hoạch hoá gia đình trong giai đoạn 2001 - 2005 của các ngành, địa phương, đơn vị; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục những yếu kém, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và biện pháp thực hiện cho giai đoạn 2006 - 2010 và những giai đoạn tiếp theo; kiên quyết chỉ đạo đạt được các mục tiêu dân số và kế hoạch hoá gia đình đã đề ra.

c) Cụ thể hoá việc thực hiện mục tiêu chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình trong công tác thi đua, khen thưởng và công tác cán bộ; coi việc thực hiện tốt mục tiêu chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động gia đình và toàn dân thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; không đề cử, đề bạt và xem xét đưa ra khỏi các chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách này.

d) Huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục

a) Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết và Chương trình hành động, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số và kế hoạch hoá gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân.

b) Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội. Hoạt động tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và văn hoá của từng vùng, tập trung ở những vùng đông dân có mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

[...]