Quyết định 279/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2020

Số hiệu 279/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/02/2013
Ngày có hiệu lực 22/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 279/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ CÁC SẢN PHẨM GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ văn bản số 481/TTg-KTN ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án quản lý sử dụng và phát triển bền vững rừng thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng;

Căn cứ Quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Phạm vi thực hiện: Triển khai thực hiện phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại các địa phương theo qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

II. Mục đích, yêu cầu:

1. Huy động các nguồn lực và tổ chức lại sản xuất ngành lâm nghiệp để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 và Đề án quản lý, sử dụng và phát triển bền vững rừng sản xuất thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; trên cơ sở đó triển khai thực hiện kế hoạch phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ và trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của từng giai đoạn, đáp ứng xu thế phát triển ngành lâm nghiệp từ nay đến năm 2020, đảm bảo phù hợp, sát với qui hoạch, kế hoạch phát triển của ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Phát triển ổn định nguồn nguyên liệu từ rừng trồng, rừng tự nhiên phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ; nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị của sản phẩm gỗ qua chế biến tinh hàng năm; trong đó:

a) Giai đoạn 2013-2015, tỷ lệ chế biến tinh đạt từ 75% trở lên, tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến đạt bình quân trên 25%/năm.

b) Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ chế biến tinh đạt từ 85% trở lên, tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến đạt bình quân 25-30%/năm.

 III. Nội dung thực hiện:

1. Phát triển ngành chế biến gỗ theo qui hoạch:

a) Tập trung thu hút các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gỗ qui mô lớn, công nghệ hiện đại theo qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trong tỉnh; trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp sau:

- Khu công nghiệp Phú Hội: Thu hút đầu tư từ 5-6 nhà máy sản xuất chế biến gỗ thông, khoảng 100.000 m3 gỗ tròn/năm (trong đó gỗ thông tự nhiên chiếm 80%) để sản xuất các sản phẩm hàng mộc nội thất, ngoại thất; ván ghép thanh phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Khu Công nghiệp Lộc Sơn: Thu hút đầu tư từ 1-2 nhà máy sản xuất chế biến gỗ với công suất từ 40.000-50.000 m3 gỗ/năm, tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng; nguyên liệu chủ yếu là gỗ thông (rừng trồng, rừng tự nhiên), gỗ keo các loại, gỗ tạp lá rộng để sản xuất các sản phẩm hàng mộc, ván ghép phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Cụm công nghiệp Hà Lâm, huyện Đạ Huoai: Thu hút đầu tư 01 nhà máy sản xuất ván nhân tạo (ván MDF) kết hợp sản xuất các sản phẩm hàng mộc, ván ghép với công suất khoảng 60.000 m3 thành phẩm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nguyên liệu phục vụ chế biến là gỗ rừng trồng (các loại keo) và gỗ tạp lá rộng để sản xuất các sản phẩm ván MDF, các sản phẩm hàng mộc nội thất, ngoại thất phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

[...]