VỀ CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN VÀO CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2747/2007/QĐ-UBND ngày 01/8/2007 của Ủy ban
Nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về đối tượng,
tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức chế độ cử tuyển, việc bồi
hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng,
cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trong hệ thống giáo dục
quốc dân và được áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2.
Chế độ cử tuyển.
1. Cử tuyển là việc tuyển sinh
không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ công chức,
viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và các
dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng,
trung cấp.
2. Chế độ cử tuyển được cụ thể
hoá một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ, bao
gồm: tuyển sinh, tổ chức và kinh phí đào tạo; phân công công tác cho người được
cử đi học sau khi tốt nghiệp; bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo đối với người
được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không chấp hành sự phân
công công tác.
Điều 3.
Nguyên tắc cử tuyển.
Việc tuyển sinh cử tuyển phải
thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Đúng mục đích, đối tượng,
tiêu chuẩn quy định.
2. Khách quan, công bằng, công
khai.
3. Cơ quan cử đi người đi học
theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm tiếp nhận phân công công tác cho người đi học
cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Điều 4. Quyền
và nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển.
1. Người học theo chế độ cử tuyển
có các quyền sau đây:
a) Được thông tin đầy đủ về chế
độ cử tuyển;
b) Được cấp học bổng, miễn học
phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của nhà nước trong
thời gian đào tạo;
c) được tiếp nhận và phân công
công tác sau khi tốt nghiệp.
2. Người học theo chế độ cử tuyển
có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cam kết trước khi cử tuyển
và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự phân công công tác sau khi
tốt nghiệp;
b) Chấp hành các quy định của
pháp luật, nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo
theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công;
c) Phải bồi hoàn học bổng, chi
phí đào tạo mức quy theo định tại Điều 13 nếu vi phạm một trong các trường hợp
của Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG TUYỂN,
VÙNG TUYỂN, ĐỀ XUẤT CHỈ TIÊU VÀ XÉT DUYỆT ĐỐI TƯỢNG CỬ TUYỂN
Điều 5. Đối
tượng.
a) Học sinh dân tộc thiểu số,
tuổi không quá 25 đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú đủ 5 năm trở lên
(tính đến ngày 30/9 hàng năm) tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn. Tỷ lệ học sinh là dân tộc Kinh không quá 15% chỉ tiêu của tỉnh. Ưu
tiên tuyển chọn số học sinh được cử đi học và đã tốt nghiệp THPT tại các trường
Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, trường Bổ túc Hữu Nghị,
trường Hữu nghị 80.
b) Học sinh dân tộc thiểu số
thường trú ở khu vực III, II hoặc I, hiện có rất ít cán bộ có trình độ đại học,
cao đẳng, trung cấp so với dân số của dân tộc đó (theo quy định ở mục 1.b- Điều
5 của Nghị định 134/2006/NĐ-CP).
Điều 6.
Vùng tuyển.
Vùng tuyển sinh được quy định cụ
thể tới các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và các xã đặc biệt khó khăn vùng
bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện hỗ trợ đầu tư chương trình 135 của
Chính phủ theo các quyết định: Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của
Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu
vào diện đầu tư chương trình phát triển Kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó
khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2100”(Chương trình 135
giai đoạn II); Quyết định số 106/2004/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Riêng
các xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày
11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt
khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội
các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới (Chương
trình 135 giai đoạn 1999-2005) được thực hiện hết năm 2008.
Điều 7. Đề
xuất chỉ tiêu cử tuyển.
Uỷ ban Nhân dân các huyện căn cứ
vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương, đề xuất
chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo theo kế hoạch 5 năm và hàng
năm. Kế hoạch và đề xuất của các huyện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục
và Đào tạo (đối với các chỉ tiêu đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với các chỉ tiêu cao đẳng nghề và
trung cấp nghề).
Việc đề xuất chỉ tiêu cử tuyển
của các huyện cho từng năm học được thực hiện chậm nhất vào ngày 30/6 của năm
trước.
Điều 8. Việc
xây dựng và đăng ký chỉ tiêu cử tuyển.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Dân tộc và Tôn giáo thống nhất
xây dựng phương án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt và đăng ký chỉ tiêu với các
Bộ hữu quan theo quy định tại Điều 7 Nghị định . Bố trí chỉ tiêu cử tuyển đối
tượng tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các hệ trung cấp tại các trường có đào
tạo hệ trung cấp từ đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở do tỉnh quản
lý.
Điều 9. Việc
xét duyệt danh sách cử tuyển.
1. Hàng năm, Uỷ ban Nhân dân tỉnh
tiến hành tuyển chọn và đặt hàng đào tạo theo chế độ cử tuyển. Hội đồng tuyển
sinh tỉnh (thành lập theo quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP) giúp Uỷ ban
Nhân dân tỉnh thực hiện công tác cử tuyển. Sở Giáo dục và Đào tạo (thường trực
Hội đồng tuyển sinh cử tuyển của tỉnh) chịu trách nhiệm tiếp nhận kế hoạch và
chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất phương án phân bổ chỉ tiêu và hướng
dẫn thực hiện công tác cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cho
các huyện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tiếp nhận kế hoạch
và chỉ tiêu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất phương án phân bổ
chỉ tiêu và hướng dẫn thực hiện công tác cử tuyển vào các trường cao đẳng nghề,
trung cấp nghề cho các huyện. Trước mỗi kỳ họp xét cử tuyển, cơ quan Thường trực
Hội đồng tuyển sinh tỉnh gửi danh sách tổng hợp toàn bộ học sinh thuộc diện
chính thức, dự bị tới các cơ quan thành viên trong Hội đồng tuyển sinh tỉnh.
2. Để đảm bảo tính dân chủ,
khách quan, công bằng và phản ánh đúng chất lượng đối tượng cử tuyển, yêu cầu Uỷ
ban Nhân dân cấp huyện làm tốt các việc sau:
a) Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo
thường trực công tác tuyển sinh ở cấp huyện, chịu trách nhiệm tiếp nhận, thông
báo chỉ tiêu, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thực
hiện đúng các quy định về cử tuyển; thụ lý đầy đủ hồ sơ cử tuyển gửi về Uỷ ban
Nhân dân cấp huyện để lựa chọn.
b) Thành lập Hội đồng tuyển
sinh cử tuyển của huyện để giúp huyện lựa chọn và giới thiệu danh sách cử tuyển.
Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch
hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, Phó Chủ tịch Thường trực là Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Các thành viên khác gồm: đại
diện Phòng Nội vụ -Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch,
cán bộ phụ trách công tác Dân tộc và Tôn giáo, cán bộ theo dõi công tác tuyển
sinh của Phòng Giáo dục và Đào tạo.
3. Việc lựa chọn đối tượng:
Trên cơ sở thực hiện Điều 6 Nghị
định 134/2006/NĐ-CP, để đảm bảo chất lượng đầu vào cho công tác đào tạo cán bộ
cho vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh và đáp ứng nhu cầu từng địa bàn, việc lựa
chọn được tiến hành như sau:
a) Các huyện lựa chọn và giới
thiệu danh sách (ứng với mỗi chỉ tiêu lập 1 danh sách xếp theo thứ tự ưu tiên gồm
tất cả các đối tượng đã đủ tiêu chuẩn cử tuyển, trong đó giới thiệu 1 đối tượng
chính thức và các đối tượng dự bị 1, dự bị 2) để tỉnh xét duyệt và cân đối
trong toàn tỉnh.
b) Hội đồng tuyển sinh cấp tỉnh
lựa chọn và quyết định đối tượng cụ thể ứng với các chỉ tiêu đã được giao cho
các huyện, trên cơ sở danh sách giới thiệu của các huyện theo tiêu chuẩn quy định
tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP. Huyện nào không có học sinh đủ tiêu chuẩn theo quy
định, Hội đồng tuyển sinh sẽ chuyển chỉ tiêu sang huyện khác. Kết quả xét duyệt
của Hội đồng cấp tỉnh được lập thành Danh sách cử tuyển bao gồm các đối tượng
diện chính thức và các đối tượng diện dự bị, thông báo cho các huyện trước khi
gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề.
Chương
III
THEO DÕI, TIẾP
NHẬN, PHÂN CÔNG CÔNG TÁC, HỖ TRỢ KINH PHÍ, THỰC HIỆN BỒI HOÀN HỌC BỔNG VÀ CHI
PHÍ ĐÀO TẠO
Điều 10.
Việc theo dõi học sinh trong quá trình đào tạo.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có
trách nhiệm hoàn tất các thủ tục ở cấp tỉnh để báo cáo các Bộ và cơ sở đào tạo;
chuyển các giấy báo nhập học tới các huyện có học sinh được cử tuyển; chủ trì
phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Nhân dân
các huyện có học sinh cử tuyển vào các cơ sở đào tạo và giữ mối liên hệ với các
cơ sở đào tạo trong việc theo dõi quá trình học tập hàng năm của học sinh do tỉnh
cử tuyển đi học thuộc các hệ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và Uỷ ban
Nhân dân các huyện theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nhập học
và toàn bộ quá trình học tập của học sinh cử tuyển thuộc các hệ cao đẳng nghề
và trung cấp nghề.
3. Uỷ ban Nhân dân các huyện có
trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội và Sở Nội vụ trong việc triển khai thông báo triệu tập học sinh và tạo
điều kiện để học sinh cử tuyển được nhập học và theo học thuận lợi trong suốt
quá trình đào tạo.
Điều 11.
Việc tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp.
1. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với
Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc tiếp nhận và phân công công tác cho người
được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Hàng năm, Sở Nội vụ liên hệ chặt
chẽ với các cơ sở đào tạo để theo dõi kết quả học tập và rèn luyện cuối khoá của
học sinh cử tuyển, xây dựng kế hoạch dự kiến phân công cán bộ sau đào tạo và kịp
thời tiếp nhận để phân công công tác theo đúng thời hạn quy định của Nghị định
134/2006/NĐ-CP. Sinh viên và học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp được phân
công chủ yếu về thôn, xã, huyện nơi cử đi học. Thời điểm phân công công tác cho
người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được tính từ ngày
Sở Nội vụ ra quyết định và thông báo cho người được phân công.
2. Người được cử đi học theo chế
độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ và kịp thời với
Sở Nội vụ để được nhận sự phân công công tác và phải nghiêm chỉnh chấp hành các
quy định của tỉnh.
Điều 12.
Kinh phí đào tao, việc bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
1. Sở Tài chính chủ trì và phối
hợp với các sở ban ngành đề xuất việc cấp kinh phí đầu tư của tỉnh cho công tác
cử tuyển theo đúng các quy định hiện hành.
2. Việc thực hiện quy định về bồi
hoàn học bổng, chi phí đào tạo và xử lý các trường hợp không thực hiện bồi
hoàn:
- Thực hiện nghiêm chỉnh các
quy định về trường hợp phải bồi hoàn, mức bồi hoàn và cách tính bồi hoàn học bổng
và chi phí đào tạo theo Điều 12, 13 và 14 của Nghị định 134/2006/NĐ-CP.
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện
có học sinh cử tuyển để theo dõi, đề xuất và đôn đốc việc thực hiện các quy định
trên.
Chương IV
CHÍNH SÁCH TẠO
NGUỒN, ĐÁNH GIÁ SAU ĐÀO TẠO VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO TRONG CÔNG TÁC TUYỂN
SINH CỬ TUYỂN
Điều 13.
Việc thực hiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh đối với các đối tượng cử tuyển.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính,
Sở Kế hoạch - Đầu tư và Uỷ ban Nhân dân các huyện trong khu vực được hưởng chế
độ cử tuyển tích cực tham mưu và triển khai các chính sách chế độ ưu tiên đầu
tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn của tỉnh.
2. Thực hiện chính sách ưu tiên
tuyển chọn và thu nhận các học sinh thuộc đối tượng cử tuyển vào học tại các cơ
sở giáo dục phổ thông có điều kiện thuận lợi như các lớp Nội trú dân nuôi ở xã,
các trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện và cấp tỉnh để bồi dưỡng và nâng
cao chất lượng nguồn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển.
Điều 14.
Việc thực hiện kế hoạch hoá và đánh giá sau đào tạo theo chế độ cử tuyển.
1. Uỷ ban Nhân dân các huyện có
trách nhiệm xây dựng và đề xuất kế hoạch ổn định và dài hạn cho công tác đào tạo
cán bộ cho địa phương, trong đó có kế hoạch đào tạo theo chế độ cử tuyển; phối
hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh để đánh giá chất lượng cán bộ được đào tạo
theo chế độ cử tuyển trong quá trình sử dụng tại địa phương.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp
với các Sở, ban, ngành của tỉnh và Uỷ ban Nhân dân các huyện để đánh giá cán bộ
được đào tạo theo chế độ cử tuyển, đề xuất biện pháp giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh
điều chỉnh chính sách đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ.
Điều 15.
Việc thực hiện chế độ thông tin trong công tác cử tuyển.
Uỷ ban Nhân dân cấp huyện và cấp
xã trong diện được thực hiện chế độ cử tuyển có trách nhiệm phổ biến rộng rãi,
kịp thời, công khai và đầy đủ các nội dung về chủ trương, đối tượng, số lượng
chỉ tiêu, hồ sơ thủ tục, thời gian nhận hồ sơ cử tuyển ở từng cấp và thông báo
đầy đủ, chính xác, kịp thời kết quả xét duyệt của Hội đồng cấp tỉnh tới các đối
tượng có Hồ sơ dự tuyển và nhân dân địa phương. Khi có nghi vấn hoặc đơn thư
khiếu nại liên quan đến chế độ cử tuyển, uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Hội đồng tuyển sinh cử tuyển cấp
tỉnh để xác minh, sớm làm rõ và trả lời khiếu nại của công dân.
Trên cơ sở Nghị định
134/2006/NĐ-CP của Chính phủ và những nội dung cụ thể của bản Quy định này,
hàng năm căn cứ hướng dẫn và phân bổ chỉ tiêu cử tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo
hoặc các Bộ, ngành hữu quan, Thường trực Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển
của tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết để các cấp thực hiện theo từng năm./.