Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Quyết định 2745/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

Số hiệu 2745/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/08/2012
Ngày có hiệu lực 24/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2745/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 197-QĐ/TU ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 278/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chương trình công tác năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 96/TTr-SNN&PTNT ngày 18 tháng 6 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 (kèm theo hồ sơ đề án); ý kiến tham gia của các sở: Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 501/SKHĐT-KTNN ngày 19 tháng 3 năm 2012, Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 133/SKHCN ngày 19 tháng 3 năm 2012, Tài chính tại Công văn số 627/STC-TCDN ngày 20 tháng 3 năm 2012, Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 521/STNMT-TTCNTT ngày 20 tháng 3 năm 2012, Tư pháp tại Công văn số 768/STP-XDVB ngày 09 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đảm bảo hiệu quả, đúng các hướng dẫn, quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ (để t/h);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c):
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NN. (296)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2745/QĐ-UBND ngày 24/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Ngày nay, kinh tế thế giới đang chuyển dần sang kinh tế tri thức; giá trị sản phẩm không chỉ dựa trên vật liệu cơ bản mà còn dựa trên giá trị sáng chế, Khoa học công nghệ đã góp phần cơ cấu lại nền kinh tế thế giới và phát triển dựa trên cơ sở kế thừa và cải tiến nhằm phát huy tối đa tính ưu việt của tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã có những bước tiến mới, có khả năng cạnh tranh cao không những về số lượng mà đã đạt về mặt chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh các nước tiên tiến như: Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản,... nhiều nước ở châu Á cũng đã chuyển từ nền nông nghiệp theo hướng số lượng là chủ yếu sang nền nông nghiệp chất lượng, nông nghiệp công nghệ cao, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,... Bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa, tin học hóa,... để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.

Ở Việt Nam, công nghệ cao đã bước đầu được áp dụng trong nông nghiệp và thu được những thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. Điển hình là các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic tại Đà Lạt - Lâm Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hải Phòng, Hà Nội; khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Thanh Hóa, trong những năm vừa qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xuất hiện, đem lại năng suất và hiệu quả vượt trội như: mô hình tưới mía công nghệ Israel, mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1, mô hình chăn nuôi bò sữa, lợn nạc, gà công nghiệp,... Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2012 - 2015 là 4,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 4%/năm và định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phải đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chuyển từ việc tăng khối lượng đầu vào, khai thác tài nguyên là chủ yếu sang phát triển bền vững dựa chủ yếu vào tri thức, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo vệ môi trường; lấy khoa học kỹ thuật và công nghệ cao làm then chốt.

Xuất phát từ yêu cầu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Đề án: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

II. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Đề án tập trung vào việc xác định mục tiêu, định hướng và những giải pháp chủ yếu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, đối với các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

[...]