Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND về chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 03/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/07/2015
Ngày có hiệu lực 01/01/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 13

( Từ ngày 06/7/2015 đến 08/7/2015)

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2003;

Căn cứ Luật công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ngày 21/11/2012;

Căn cứ Quyết định số 2457/QĐ–TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ–TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 33/TTr –UBND ngày 12/6/2015 và Tờ trình số 38/TTr-UBND ngày 03/7/2015 của UBND Thành phố về việc thông qua “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020

1. Phạm vi điều chỉnh

Chính sách này nhằm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, áp dụng cho các hoạt động sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo quy hoạch, đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố (theo Phụ lục đính kèm).

2. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng

2.1. Hỗ trợ xây dựng đường giao thông, kênh mương trục chính cấp, tiêu nước

a) Đối tượng và điều kiện áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương trục chính cấp, tiêu nước trong vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư xây dựng (xi măng, gạch, đất, cát, sỏi, sắt, thép) theo định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với từng loại, cấp công trình.

c) Phương thực thực hiện: Ngân sách Thành phố ứng trước 70% kinh phí hỗ trợ, số kinh phí còn lại được hỗ trợ sau khi công trình hoàn thành, nghiệm thu quyết toán và đưa vào sử dụng.

2.2. Hỗ trợ chi phí khoan giếng cấp nước tưới, xử lý môi trường

a) Đối tượng và điều kiện áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất trong vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa có hệ thống cấp nước tưới cho cây trồng; chưa có thùng (bể) lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chưa có hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi; chưa có hệ thống làm giàu ôxy trong nuôi thủy sản có trong kế hoạch và dự toán hàng năm.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Đối với cây trồng: Hỗ trợ một lần chi phí khoan giếng, đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng tối đa không quá 10 triệu đồng/ha; Hỗ trợ một lần kinh phí mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (02 thùng/ha); hỗ trợ 100% trong năm đầu và 70% năm thứ hai đối với chi phí xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

- Đối với vật nuôi: Hỗ trợ một lần khi xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi (lợn, bò) đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định, mức hỗ trợ 300.000 đồng/01 đầu gia súc.

- Đối với vùng nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu ôxy vùng nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.

c) Phương thực thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ sau khi công trình hoàn thành, nghiệm thu quyết toán và đưa vào sử dụng.

[...]