Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 27-TC/TDT năm 1966 về chế độ kế toán tổng kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27-TC/TDT
Ngày ban hành 02/11/1966
Ngày có hiệu lực 01/01/1967
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 27-TC/TDT

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1966

 

CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN TỔNG KẾ TOÁN

Chế độ kế toán tổng kế toán này ban hành nhằm tổ chức công việc ghi chép, phản ánh tình hình thu, chi ngân sách và thực hiện giám đốc tài chính đối với việc quản lý ngân sách Nhà nước; tạo điều kiện thuận tiện cho việc thực hiện phân cấp quản lý tài chính giữa trung ương và các địa phương, và giúp cho cơ quan tài chính các cấp quản lý tốt toàn bộ các khoản thu của ngân sách Nhà nước thực hiện ở địa phương cũng như quản lý chặt chẽ chỉ tiêu của địa phương, cung cấp đầy đủ tài liệu cho Bộ Tài chính có cơ sở giám đốc tài chính được tốt.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Bộ Tài chính trung ương, các sở, ty tài chính địa phương làm kế toán thu, chi của tổng dự toán cấp mình thì gọi là làm kế toán tổng dự toán.

Bộ phận làm công tác kế toán tổng dự toán gọi là tổng kế toán.

Điều 2. - Nhiệm vụ của tổng kế toán là:

1. Làm công việc kế toán thu ngân sách, kế toán cấp phát và chi ngân sách, kể cả tạm thu, tạm cấp;

2. Giám đốc công tác quản lý quỹ của ngân sách Nhà nước tại ngân hàng Nhà nước (kho bạc) về tổ chức cấp phát, tổ chức thu nộp, hạch toán kế toán thu và cấp phát, làm báo biểu thu nộp, cấp phát hàng ngày, hàng tháng, hàng năm chính xác, đầy đủ và kịp thời;

3. Thẩm tra báo cáo kế toán của các đơn vị dự toán và theo dõi, kiểm tra công việc kế toán của các đơn vị dự toán và của tổng kế toán cấp dưới;

4. Làm báo cáo kế toán, phân tích báo cáo kế toán và làm báo cáo quyết toán hàng tháng, hàng quý, hàng năm của ngân sách để phục vụ cho việc chấp hành sách cấp mình và ngân sách cấp trên;

5. Tham gia nghiên cứu xây dựng các chế độ kế toán ngân sách bao gồm chế độ kế toán đơn vị dự toán, kế toán quỹ của ngân sách Nhà nước tại ngân hàng Nhà nước (kho bạc) và tổng kế toán.

Điều 3. – Niên độ kế toán thống nhất với niên độ ngân sách, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc ngày 31 tháng 12 mỗi năm.

Điều 4. – Niên độ kế toán cũng như niên độ ngân sách lấy ngày 31 tháng 12 làm ngày cuối cùng; số thu vào kho bạc cho đến hết ngày 31 tháng 12 và số chi của ngân sách đến hết ngày 31 tháng 12 coi là số thu, số chi cuối cùng của niên độ.

Điều 5. – Phương pháp ghi sổ là phương pháp kế toán kép.

Điều 6. - Tổng kế toán cũng như kế toán đơn vị dự toán lấy đồng làm đơn vị ghi sổ, số lẻ dưới nửa xu thì bỏ, từ nửa xu trở lên thì tính thành một xu. Ngoại tệ phải đổi ra tiền Việt Nam theo giá hối đoái chính thức của ngân hàng Nhà nước để ghi sổ.

Các số thu, số chi bằng hiện vật đều phải tính ra tiền để ghi sổ.

Chương 2:

HỆ THỐNG TÀI KHOẢN

Điều 7. - Kế toán tổng kế toán gồm có các tài khoản sau đây:

 

Số hiệu tài khoản

TÊN TÀI KHOẢN

 

1. Tài sản Có

1.01

Tiền gửi của ngân sách

1.02

Cấp phát hạn mức

1.03

Cấp phát lệnh chi tiền

1.04

Cấp phát kiến thiết cơ bản

1.05

Tạm ứng

1.06

Tạm ứng cho ngân hàng kiến thiết

1.07

Tiền đang đi đường

1.08

Chi ngân sách

1.09

Trị giá hiện vật thuế nông nghiệp bán cho ngành lương thực

 

2. Tài sản Nợ

2.01

Thu ngân sách

2.02

Tạm thu

2.03

Thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật

2.04

Thu trước cho năm sau

2.05

Tiền thuế nông nghiệp vụ đông thuộc ngân sách năm sau

2.06

Kết dư của ngân sách

2.07

Chuyển kết dư cho ngân hàng Nhà nước

2.08

Vay ngân hàng Nhà nước

 

3. Tài sản Có hoặc Nợ

3.01

Vãng lai với tổng kế toán cấp trên

3.02

Vãng lai với tổng kế toán cấp dưới

3.03

Vãng lai giữa hai niên độ trước và sau

 

Tài khoản ngoài bảng cân đối

 

1. Hạn mức đã duyệt cho các đơn vị dự toán

 

2. Hạn mức đã duyệt cho kiến thiết cơ bản

 

Điều 8. - Hệ thống tài khoản trên đây áp dụng chung cho tổng kế toán trung ương cũng như tổng kế toán tỉnh, thành phố. Riêng tổng kế toán trung ương, không mở tài khoản 3.01 “Vãng lai với tổng kế toán cấp trên”; tổng kế toán tỉnh, thành phố (trừ các tỉnh có ngân sách cấp dưới là ngân sách thành phố, thị xã) không mở tài khoản 3.02 “Vãng lai với tổng kế toán cấp dưới”; tổng kế toán tỉnh, thành phố không mở tài khoản 2.08 “Vay ngân hàng Nhà nước”. và tài khoản 2.07 “Chuyển kết dư cho ngân hàng Nhà nước”.

Điều 9. – Các sở, ty tài chính phải tuyệt đối tôn trọng, không được sửa đổi, bổ sung cách sắp xếp và số thứ tự của hệ thống các tài khoản nói ở điều 7.

Điều 10. – Các tài khoản nói ở điều 7 trên đây là tài khoản sổ Cái; mỗi tài khoản tổng hợp này gồm nhiều chi tiết cần phân tích trong các sổ phụ theo loại, khoản, hạng, mục của mục lục ngân sách hàng năm.

Chương 3:

NỘI DUNG, TÍNH CHẤT CÁC TÀI KHOẢN VÀ PHƯƠNG PHÁP GHI SỔ

[...]