QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ VÀ PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
CÁC CƠ QUAN, BAN, NGÀNH VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, ỦY BAN
NHÂN DÂN CẤP HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 05/4/2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp
dụng
Quy định này quy định về quản lý và phân cấp thẩm
quyền quản lý công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp
tỉnh, cấp huyện thuộc UBND tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đối tượng
điều chỉnh
Công chức thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định
này là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện
và người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt
động thuộc UBND tỉnh Đồng Nai.
Viên chức thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định
này là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp
công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự
nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc
thực hiện
1. Công tác quản lý công chức, viên chức đặt dưới
sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.
2. Đối với các vấn đề đã được UBND tỉnh quy định
thẩm quyền vẫn thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý cán bộ của Tỉnh ủy.
3. Đảm bảo nguyên tắc dân chủ đi đôi với phát
huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trước UBND tỉnh.
4. Bảo đảm nguyên tắc công việc nào, cấp nào sát
với thực tế, giải quyết kịp thời và hiệu quả các yêu cầu của tổ chức, cá nhân
thì giao cho cấp đó thực hiện nhằm cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu
quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
5. Đối với các nội dung thẩm quyền tại quy định
này mà trong các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn có quy định
quy trình, thẩm quyền cụ thể đối với các đối tượng đặc thù thì thực hiện theo
các quy định của những văn bản quy phạm pháp luật cao hơn.
Chương II
THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG
CHỨC
Điều 4. Thẩm quyền
của Chủ tịch UBND tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cho từ chức, điều động, biệt phái, luân chuyển, bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch,
nâng lương, xếp lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, kỷ luật và các nội dung quản lý
khác đối với công chức giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị thuộc UBND tỉnh và tương đương trở lên thuộc thẩm quyền quản lý; thành lập Hội
đồng tuyển dụng và thi nâng ngạch công chức.
Điều 5. Thẩm quyền của Giám
đốc Sở Nội vụ
1. Quyết định tuyển dụng, phân công, gia hạn thời
gian nhận việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người trúng tuyển, bổ
nhiệm vào ngạch đối với người trúng tuyển kỳ thi công chức, thi nâng ngạch.
2. Quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển
đối với công chức ra khỏi phạm vi quản lý của Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng
các sở, ban ngành và các trường hợp công chức từ cấp xã, viên chức các đơn vị sự
nghiệp về cơ quan hành chính cấp huyện, cấp tỉnh (trừ đối tượng tại Điều
4 của Quy định này).
Điều 6. Thẩm quyền của Giám
đốc các sở, ban, ngành và tương đương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long
Khánh và thành phố Biên Hòa (cấp huyện)
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và tương đương,
Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, chuyển
ngạch, xếp lương, nâng lương, điều động, biệt phái, luân chuyển, cho thôi việc,
nghỉ hưu, kỷ luật và các nội dung quản lý khác đối với công chức do cơ quan trực
tiếp quản lý và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thẩm
quyền quản lý.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và tương đương,
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển đối với
các trường hợp công chức làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc phạm vi quản
lý về công tác tại UBND cấp xã, các đơn vị sự nghiệp; các trường hợp công chức
làm việc tại các cơ quan hành chính trong phạm vi quản lý về công tác tại các
cơ quan Đảng, Đoàn thể và ngược lại trên cùng địa bàn cấp huyện (trừ đối tượng
tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này).
Điều 7. Thẩm quyền của Thủ
trưởng các cơ quan trực thuộc các sở, ban, ngành và tương đương
Thủ trưởng các cơ quan thuộc các sở, ban, ngành
và UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, chuyển ngạch, xếp
lương, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, kỷ luật và các nội dung quản lý
khác đối với công chức thuộc quyền trực tiếp quản lý (trừ đối tượng tại Điều 5
và Điều 6 của Quy định này).
Chương III
THẨM QUYỀN QUẢN LÝ VIÊN
CHỨC
Điều 8. Thẩm quyền của
Chủ tịch UBND tỉnh
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cho từ chức, biệt phái, chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu, giải quyết chế độ, chính
sách, kỷ luật và các nội dung quản lý khác đối với viên chức giữ chức vụ Thủ
trưởng, Phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.
2. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy chế tuyển dụng
viên chức thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Thẩm quyền của Giám
đốc Sở Nội vụ
Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt kế hoạch và công nhận
kết quả tuyển dụng đối với viên chức đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND
tỉnh chưa được giao quyền tự chủ.
Điều 10. Thẩm quyền của Thủ
trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan và đơn vị sự
nghiệp cấp trên trực tiếp
1. Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, các cơ quan và đơn vị sự nghiệp cấp trên trực tiếp quyết định bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu, kỷ luật và các nội
dung quản lý khác đối với viên chức giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý và các viên chức do đơn vị sự
nghiệp trực tiếp quản lý.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp cấp trên trực tiếp quyết định biệt phái đối
với viên chức ra ngoài phạm vi quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
quyền quản lý.
3. Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch và công
nhận kết quả tuyển dụng đối với viên chức đơn vị sự nghiệp công lập chưa được
giao quyền tự chủ thuộc phạm vi quản lý.
Điều 11. Thẩm quyền của Thủ
trưởng đơn vị sự nghiệp
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, ký, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt ký hợp đồng
làm việc, quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng lương, biệt
phái, nghỉ hưu, kỷ luật và các nội dung quản lý khác đối với viên chức do đơn vị
trực tiếp quản lý (trừ Điều 4, Điều 6 của Quy định này).
Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được
giao quyền tự chủ theo quy định thì đơn vị tự chủ xây dựng kế hoạch, tổ chức
tuyển dụng, công nhận kết quả tuyển dụng viên chức thuộc đơn vị và báo cáo kết
quả về cơ quan chủ quản trực tiếp để theo dõi, quản lý.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Điều khoản chuyển
tiếp áp dụng quy định đối với cán bộ
Đối với các đối tượng là cán bộ thì thực hiện
theo các quy định về công tác quản lý cán bộ và vận dụng áp dụng các quy định
tương đương công chức của Quy định này.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở
Nội vụ
1. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi,
hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện văn bản vi phạm pháp luật hoặc
trái với Quy định này thì yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan xử lý theo thẩm quyền
hoặc tạm đình chỉ văn bản và báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.
2. Giám đốc Sở Nội vụ quy định cụ thể quy trình
thực hiện, chế độ báo cáo tình hình quản lý công chức, viên chức đối với các nội
dung đã phân cấp.
Điều 14. Trách nhiệm
thi hành
1. Đối với những vấn đề đã quy định thẩm quyền tại
Quy định này, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị
sự nghiệp thuộc tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và chịu
trách nhiệm trước UBND tỉnh.
2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với
các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai những nội dung phân cấp. Trong quá
trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các cá nhân, tổ chức phản ánh về UBND tỉnh
để xem xét, giải quyết./.