Quyết định 27/2007/QĐ-BLĐTBXH về Chương trình môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh dùng trong các trường Trung cấp nghề, trường Cao đẳng nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 27/2007/QĐ-BLĐTBXH
Ngày ban hành 24/12/2007
Ngày có hiệu lực 19/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thanh Hoà
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 27/2007/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH DÙNG TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ, TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng – an ninh;
Căn cứ Quyết định số 01/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 4 tháng 1 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc Ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh dùng trong các trường Trung cấp nghề, trường Cao đẳng nghề và các lớp dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 635/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành chương trình môn học Giáo dục quốc phòng cho các trường, lớp dạy nghề dài hạn. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận :
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Hội đồng Giáo dục quốc phòng–an ninh trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH DÙNG TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ CAO ĐẲNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

I. VỊ TRÍ MÔN HỌC

Giáo dục quốc phòng – an ninh là một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; là môn học chính khoá, thuộc nhóm các môn học chung trong chương trình đào tạo của các trường Trung cấp nghề, trường Cao đẳng nghề và các lớp dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Giáo dục quốc phòng – an ninh nhằm nâng cao dân trí quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II. MỤC TIÊU:

Giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, làm cơ sở để học sinh thực hiện nhiệm vụ quân sự trong nhà trường, tham gia có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

III. YÊU CẦU:

1- Hiểu được những nội dung chính về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Nắm vững âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam.

2- Hiểu rõ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, lịch sử truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang, làm tốt công tác quốc phòng, an ninh ở cơ sở và sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang.

3- Thành thạo đội ngũ từng người không có súng, các kỹ năng quân sự cần thiết, biết vận dụng vào phòng vệ cá nhân và tham gia bảo vệ an toàn đơn vị, cơ sở.

IV. THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN: Trong năm thứ nhất hoặc năm thứ hai.

V. TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC HỌC PHẦN:

Môn học trang bị một số kiến thức cơ bản về lực lượng vũ trang, một số nhiệm vụ công tác quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, bao gồm những nội dung chủ yếu về xây dựng lực lượng dự bị động viên, phòng chống chiến tranh công nghệ cao, đánh bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, an ninh quốc gia. Rèn luyện các kỹ năng đội ngũ không có súng; thực hành bắn súng tiểu liên AK bài 1b; huấn luyện những động tác cơ bản chiến thuật chiến đấu bộ binh: các tư thế vận động trên chiến trường, cách quan sát phát hiện mục tiêu, lợi dụng địa hình, địa vật, hành động của cá nhân trong công sự, ngoài công sự trong chiến đấu tiến công và phòng ngự.

VI. TÊN BÀI VÀ THỜI GIAN:

A. CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP NGHỀ:

a) Đối tượng đào tạo 36 tháng hệ tuyển sinh trung học cơ sở: Học 3 học phần (I+II+III) = 120 tiết.

[...]