Quyết định 264/2006/QĐ-TTg về Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 264/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/11/2006
Ngày có hiệu lực 15/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 264/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi truờng
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;                          
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ban Quản lý KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn;

- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tư­ợng áp dụng

1. Nội dung công tác báo tin động đất, cảnh báo sóng thần quy định trong Quy chế này bao gồm việc thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý thông tin, ra các thông báo về động đất, cảnh báo sóng thần và việc chuyển các tin đó đến các cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân để phục vụ công tác phòng, tránh, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra. Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần này được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Những trận động đất có cường độ bằng hoặc lớn hơn 3,5 độ Richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ;

b) Hoạt động núi lửa và những trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter xảy ra ở các vùng biển khác nhưng có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam;

c) Những cơn sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam.

2. Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.

3. Trường hợp sóng thần do động đất gần bờ gây ra không áp dụng theo quy định của Quy chế này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sóng thần là sóng biển chu kỳ dài, lan truyền với vận tốc lớn (có khi đến 800km/giờ). Khi tới bờ, phụ thuộc vào độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao lớn, tới hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa. Sóng thần được quy định trong Quy chế này là sóng thần gây ra bởi động đất hoặc hoạt động của núi lửa.

2. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng đất liền nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới và gây thiệt hại (khoảng cách tối đa là 1km tính từ bờ biển).

Các vùng biển Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của sóng thần được quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy chế này.

3. Động đất (còn gọi là địa chấn) là sự rung động mặt đất, gây ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các địa khối theo các đứt gãy địa chất trong lòng đất (gọi là động đất kiến tạo), các vụ nổ núi lửa (gọi là động đất núi lửa), các vụ sụp đổ hang động, các vụ trượt lở đất, thiên thạch và các vụ nổ nhân tạo.

4. Chấn tiêu là nơi phát sinh động đất, nơi năng lượng động đất được giải phóng và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi, gây rung động mặt đất.

5. Chấn tâm là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu trên mặt đất.

[...]