Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 261/2006/QĐ-UBND Chương trình thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Số hiệu 261/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/11/2006
Ngày có hiệu lực 07/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/2006/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 27 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN ĐẾN NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010;

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 226TTr/ĐTN ngày 15 tháng 9 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Điều 2. Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai Chiến lược này trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên

 

CHƯƠNG TRÌNH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 261 /2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Trong giai đoạn cách mạng mới, với bối cảnh quốc tế biến động và phức tạp, trước thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức, thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước và xã hội cần tăng cường đầu tư chăm lo để lực lượng thanh niên phát triển, trưởng thành nhanh nhất và cống hiến nhiều nhất cho quê hương, đất nước. Thực hiện Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng Chương trình thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THANH NIÊN VÀ CÔNG TÁC THANH NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

I. TÌNH HÌNH THANH NIÊN.

Thanh niên Tây Ninh (từ 15-34 tuổi) là lực lượng xã hội hùng hậu, năm 2005 có khoảng 421.318 người, chiếm 40,29% dân số và khoảng 66,1% lực lượng lao động của tỉnh. Những năm qua, thanh niên là lực lượng năng động, luôn luôn đi đầu trong học tập, lao động và sản xuất, tuyệt đại đa số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào đường lối đổi mới hiện nay do Đảng ta lãnh đạo; ngày càng có nhiều thanh niên tài năng, thành đạt trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Song, dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những âm mưu của các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận thanh niên mơ hồ về lý tưởng cách mạng; sống thiếu hoài bão, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách. Một số khác sa vào lối sống thực dụng, hưởng thụ, nặng về vật chất, thậm chí sa vào đồi trụy, ngoại lai; tình trạng ma túy, mại dâm, phạm pháp trong thanh niên có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn dùng nhiều âm mưu và thủ đoạn để tranh giành, lôi kéo thanh niên.

Trong những nhu cầu thiết yếu của thanh niên hiện nay, nhu cầu về an toàn, ổn định và phát triển trong cuộc sống vẫn là nhu cầu quan trọng nhất, kế đến là những nhu cầu về sức khỏe, học tập, nhu cầu về việc làm, thành đạt trong cuộc sống. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, mức sống, các nhu cầu của thanh niên ngày càng đa dạng, đặc biệt là nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa. Tình hình các đối tượng thanh niên trên địa bàn tỉnh như sau:

- Thanh niên sống ở khu vực nông thôn: chiếm khoảng 77,98% tổng số thanh niên toàn tỉnh, nhìn chung trình độ học vấn của thanh niên nông thôn đã được nâng lên nhưng tỷ lệ mù chữ vẫn còn nhiều, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn so với khu vực thành thị nhiều lần, tỷ lệ thiếu việc làm còn nhiều, sự am hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật chưa cao, xu hướng mắc các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều. Thanh niên nông thôn hiện nay mong muốn được học tập, hiểu biết những tiến bộ khoa học mới để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn và cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Thanh niên sống ở khu vực đô thị - công nghiệp: chiếm khoảng 22,02% tổng số thanh niên toàn tỉnh, có nhiều thế mạnh về học vấn, chuyên môn, kỹ thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên mù chữ vẫn còn, tỷ lệ chưa có việc làm ổn định còn cao, tham gia hoạt động trong tổ chức của Đoàn, Hội còn thấp. Thanh niên khu vực đô thị - công nghiệp sống trong môi trường văn hóa đa dạng, điều này giúp cho thanh niên có điều kiện nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa,… vì họ mong muốn có nghề nghiệp, việc làm và thu nhập ổn định.

- Thanh niên học sinh, sinh viên chiếm khoảng 10,9% tổng số thanh niên toàn tỉnh, trong đó học sinh phổ thông chiếm khoảng 9,08%, nhận thức về các vấn đề xã hội của thanh niên học sinh, sinh viên ngày càng mở rộng, đa dạng, phong phú, không chỉ quan tâm đến tình hình thời cuộc, nhiệm vụ chính trị,… mà còn có ý thức nâng cao hiểu biết về lịch sử, truyền thống, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Thanh niên làm việc ở khối hành chính, sự nghiệp: chiếm khoảng 1,47% tổng số thanh niên trong tỉnh, là những người được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn ngày càng cao, tuy nhiên, trình độ chuyên môn cũng rất cần đào tạo cơ bản hơn, nhiều trường hợp trái ngành nghề cần phải đào tạo lại. Họ có khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; đề cao học vấn và mong muốn được nâng cao trình độ.

- Lực lượng thanh niên ngoài tỉnh đang làm việc, tạm trú trong tỉnh hiện nay không nhiều nhưng có xu hướng tăng dần do yêu cầu phát triển công nghiệp. Đây là lực lượng đang tăng nhanh về số lượng, là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên thanh niên đang làm công nhân ở ngoài tỉnh đến phần lớn là lao động phổ thông, có nhận thức pháp luật và tác phong công nghiệp chưa cao, họ mong muốn có việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định; được vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa, được chăm sóc sức khỏe và học tập nâng cao trình độ.

[...]