Quyết định 26/2010/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành
Số hiệu | 26/2010/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 26/08/2010 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2010 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Nam |
Người ký | Trần Xuân Lộc |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 26/2010/QĐ-UBND |
Phủ Lý, ngày 26 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN VÀ NGƯỜI NGHÈO GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ các Thông tư liên tịch của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và
Xã hội: Thông tư số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 hướng dẫn
cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia
giảm nghèo; Thông tư số 44/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 29 tháng 3 năm 2010 về việc sửa
đổi, bổ sung Thông tư Liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH;
Xét đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính tại Tờ trình số
79/TTr-LĐTBXH ngày 09 tháng 8 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo giai đoạn 2010 - 2015 như sau:
1. Mức hỗ trợ:
1.1. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc đối tượng tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo hợp đồng trách nhiệm giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội với các cơ sở dạy nghề, cụ thể như sau:
a) Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác:
- Hỗ trợ chi phí đào tạo: mức tối đa 400.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 03 triệu đồng/người/khóa học;
- Hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia học nghề: tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;
b) Lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập: tối đa bằng 150% thu nhập của người nghèo hỗ trợ chi phí đào tạo nghề mức tối đa 400.000 đồng/người/tháng và tối đa không quá 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
c) Lao động nông thôn khác: hỗ trợ chi phí đào tạo nghề mức tối đa 400.000 đồng/người/tháng và tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học.
(Mức hỗ trợ cụ thể cho từng nghề và thời gian học theo Kế hoạch hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt).
1.2. Mức hỗ trợ học nghề cho các đối tượng hộ nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo như sau:
a) Đối với đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề:
- Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề đối với cơ sở dạy nghề (bao gồm cả doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề) thực hiện dạy nghề cho người nghèo: theo hợp đồng đào tạo nghề do Sở Lao động Thương binh và Xã hội đặt hàng với mức tối đa 400.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 03 triệu đồng/người/khoá học.
- Hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia học nghề: tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
b) Đối với đào tạo nghề gắn với việc làm:
- Hỗ trợ doanh nghiệp có dự án tự tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề, vừa học, vừa làm và nhận người nghèo vào làm việc ổn định tại doanh nghiệp tối thiểu 24 tháng (áp dụng đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện công nhận là cơ sở dạy nghề). Mức hỗ trợ cụ thể tuỳ thuộc vào hình thức và thời gian dạy nghề của doanh nghiệp và theo hợp đồng đặt hàng của cơ quan Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người nghèo.
- Hỗ trợ tiền ăn cho người nghèo trong thời gian học nghề: 15.000 đồng/ngày thực học/người.
(Mức hỗ trợ cụ thể cho từng nghề và thời gian học theo Kế hoạch hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt).
2. Nguồn kinh phí:
- Ngân sách Trung ương từ nguồn kinh phí Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giáo dục đào tạo; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và ngân sách Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Ngân sách địa phương.
Điều 2. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.