Nghị quyết 34/2010/NQ-HĐND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu | 34/2010/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 10/12/2010 |
Ngày có hiệu lực | 20/12/2010 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tây Ninh |
Người ký | Lê Minh Trọng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2010/NQ-HĐND |
Tây Ninh, ngày 10 tháng 12 năm 2010 |
VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2011–2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành kèm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg , ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3120/TTr-UBND, ngày 03 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 6.600 lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 1.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã;
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể
a. Giai đoạn 2011–2015
Đào tạo nghề cho 33.000 lao động nông thôn, trong đó:
- Khoảng 25.000 lao động nông thôn được học nghề (8.750 người học nghề nông nghiệp; 16.250 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 600 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%;
- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 8.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã.
b. Giai đoạn 2016–2020
Đào tạo nghề cho 33.000 lao động nông thôn, trong đó:
- Khoảng 25.000 lao động nông thôn được học nghề (8.750 người học nghề nông nghiệp; 16.250 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 1.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%;
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 8.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN
- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nữ từ 16-55 tuổi; nam từ 16-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.
- Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn cấp xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức cấp xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.
1. Dạy nghề nông nghiệp
Lĩnh vực dạy nghề: Thuộc nghề và nhóm nghề nông nghiệp chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn Tây Ninh, gồm: Kỹ thuật khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi ba ba, kỹ thuật nuôi ếch, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng mía, kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng cây lấy củ, kỹ thuật nuôi sinh vật cảnh, ... (ngành nghề khác sẽ được phê duyệt bổ sung hàng năm sau khi có kết quả điều tra).