Quyết định 258-TTg năm 1995 về việc tổ chức và hoạt đông của phân ban Việt Nam trong ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa với người nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 258-TTg
Ngày ban hành 29/04/1995
Ngày có hiệu lực 14/05/1995
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 258-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÂN BAN VIỆT NAM TRONG UỶ BAN LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI, KHOA HỌC - KỸ THUẬT VÀ VĂN HOÁ VỚI NƯỚC NGOÀI 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thúc đẩy việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác, triển khai thực hiện Hiệp định và Thoả thuận với các nước;
Để bảo đảm cho các Uỷ ban liên Chính phủ giữa nước ta với các nước hoạt động có hiệu quả;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân ban Việt Nam trong các Uỷ ban liên Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Phân ban Việt Nam) giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ điều phối các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Phân ban Việt Nam có những nhiệm vụ sau đây:

1/ Đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước có quan hệ hợp tác.

2/ Theo uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi hoạt động của uỷ ban liên Chính phủ, phân ban Việt Nam có nhiệm vụ đôn đốc các cơ quan chuẩn bị nội dung, đàm phán, ký kết các văn bản thoả thuận với nước có quan hệ hợp tác thuộc cấp Nhà nước quản lý phù hợp với chức năng đã được giao của từng cơ quan.

3/ Theo dõi, đôn đốc, tổ chức phối hợp giữa các Bộ, Ngành và địa phương thực hiện các thoả thuận, nghĩa vụ đã cam kết về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hoá; đồng thời trao đổi ý kiến với bên nước ngoài nhằm tìm các biện pháp tạo điều kiện cho cả hai bên hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Định kỳ tổ chức các cuộc họp của Phân ban Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện và bàn các biện pháp triển khai các thoả thuận với nước ngoài.

4/ Tổ chức các cuộc họp của Uỷ ban liên Chính phủ với nội dung kiểm điểm tình hình thực hiện các thoả thuận tại khoá họp trước, đề ra phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác cho thời kỳ giữa hai kỳ họp. Trước khi tiến hành khoá họp Uỷ ban, Chủ tịch Phân ban báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến nội dung khoá họp.

Điều 3. Thành phần thường trực của Phân ban Việt Nam gồm có:

- Chủ tịch Phân ban là cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng của các Bộ, Ngành kinh tế, đối ngoại tổng hợp. Trong trường hợp thoả thuận với nước có quan hệ hợp tác cần cử cấp cao hơn hoặc thấp hơn thì sẽ quyết định phù hợp với thoả thuận đó.

- Phó Chủ tịch Phân ban là cấp Thứ trưởng hoặc tương đương (trong trường hợp được hai bên thoả thuận có thể không cử Phó Chủ tịch Phân ban).

- Thư ký thường trực Phân ban là cán bộ cấp vụ hoặc chuyên viên của Văn phòng Chính phủ.

- Khi cần thiết có thể cử thêm một số uỷ viên vào thành phần thường trực của Phân ban và hoặc thành lập các Tiểu ban, nhóm công tác tuỳ theo nhu cầu hoạt động của Uỷ ban và phù hợp với thoả thuận của hai bên.

Căn cứ vào các nguyên tắc trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ cấu và thành phần cụ thể của Phân ban Việt Nam.

Điều 4. Phân ban Việt Nam làm việc theo những nguyên tắc sau đây:

1/ Phân ban chỉ bàn và thoả thuận với bên nước ngoài những nguyên tắc ở cấp Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hoá nhằm tạo ra các khuôn khổ pháp lý, môi trường hợp tác thuận lợi cho các đối tác. Các vấn đề hợp tác sản xuất và kinh doanh cụ thể do các tổ chức sản xuất và kinh doanh của hai nước trực tiếp ký kết với nhau.

2/ Các Bộ, Ngành, địa phương có những kiến nghị về hợp tác với nước ngoài thuộc phạm vi nói trong điều 4.1 cần gửi đến Chủ tịch Phân ban (qua thư ký thường trực Phân ban) để xử lý hoặc trình Thủ tướng Chính phủ trước khi làm việc với bên nước ngoài. Phân ban có thể đề xuất những vấn đề cần giải quyết hoặc hợp tác với bên nước ngoài lên Thủ tướng Chính phủ.

3/ Các văn kiện ký kết với bên nước ngoài trong khuôn khổ Uỷ ban liên Chính phủ thực hiện theo đúng Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế. Sau khi ký kết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Phân ban sẽ tổ chức triển khai và thông báo cho các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan thực hiện.

4/ Các Bộ, Ngành, địa phương ít nhất 6 tháng một lần thông báo cho Phân ban thông qua Văn phòng Chính phủ tình hình thực hiện các thoả thuận với nước ngoài trong khuôn khổ hợp tác của Uỷ ban liên Chính phủ.

5/ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký thường trực Phân ban được quyền quan hệ trực tiếp với đại diện của bên nước ngoài để trao đổi và giải quyết những vấn đề liên quan đến hợp tác.

6/ Chủ tịch Phân ban có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện những thảo thuận, các nghĩa vụ đã ký kết với nước ngoài. Khi cần thiết, Chủ tịch Phân ban có quyền triệu tập đại diện các Bộ, Ngành, địa phương để họp bàn giải quyết những vấn đề nảy sinh. Phó Chủ tịch (nếu có) và thư ký thường trực giúp Chủ tịch Phân ban thực hiện nhiệm vụ nói trên.

7/ Chủ tịch Phân ban chủ trì việc tham dự các khoá họp Uỷ ban liên Chính phủ. Các khoá họp của Uỷ ban liên Chính phủ được tiến hành ở trong nước và nước ngoài căn cứ theo điều lệ hoạt động của Uỷ ban liên Chính phủ. Ngoài các cuộc họp định kỳ, khi có công việc đột xuất, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc thư ký thường trực Phân ban hai bên có thể gặp nhau để bàn biện pháp giải quyết.

8/ Thư ký thường trực Phân ban chịu trách nhiệm thường trực giúp Chủ tịch Phân ban nắm tình hình, số liệu, trao đổi với các cơ quan hữu quan, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để xử lý kịp thời các công việc hàng ngày của Phân ban. Thư ký thường trực được quyền mời các chuyên viên của các Bộ,

Ngành, địa phương bàn chuẩn bị cho các cuộc họp của Uỷ ban liên Chính phủ.

Thư ký thường trực Phân ban chịu trách nhiệm quản lý các tài liệu, số liệu của Phân ban ở trong nước cũng như khi đi công tác nước ngoài và được sử dụng hộ chiếu ngoại giao.

Điều 5. Quyết định này thay thế quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 291-CT ngày 21 tháng 10 năm 1989.

Các Chủ tịch Phân ban Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)