Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2544/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2544/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 09/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2544/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NÂNG CAO GIÁ TRỊ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MỘT SỐ SẢN PHẨM OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 47/2018/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 78/TTr-SKHCN ngày 12/11/2020; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 526/BC-SKHĐT ngày 30/11/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu tổ chức các Hội đồng khoa học và công nghệ tuyển chọn đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình; đề xuất lựa chọn danh mục thứ tự ưu tiên các mô hình, sản phẩm thuộc Chương trình để triển khai phù hợp với khả năng phân bổ vốn theo từng năm; tổ chức quản lý Chương trình theo quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Lạng Sơn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCVP UBND tỉnh,
các Phòng: KGVX, KT, THNC, THCB;
- Lưu: VT, KGVX(NCD).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Hải

 

CHƯƠNG TRÌNH

NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NÂNG CAO GIÁ TRỊ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MỘT SỐ SẢN PHẨM OCOP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2544/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

1. Cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn đối với việc xây dựng chương trình khoa học và công nghệ

1.1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

- Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

1.2. Cơ sở khoa học và thực tiễn

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Lạng Sơn nằm ở vùng núi phía Bắc, có điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển nhiều sản phẩm đặc sản, có nhiều lợi thế để phát triển thành các sản phẩm OCOP. Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định trên toàn tỉnh Lạng Sơn có 12 sản phẩm chủ lực như: Na Chi Lăng, Hồi, Hồng vành khuyên; Quýt Bắc Sơn, Quế, Sở....; 43 sản phẩm đặc trưng: Gạo bao thai hồng, Nếp hoa vàng, Hồng Bảo lâm, tinh dầu hồi, thuốc lá tắm người Dao,...; 36 sản phẩm tiềm năng: dứa, măng, chanh dây, gừng đá, hạt dẻ, mít, khoai tây, chè hoa vàng,...; 21 sản phẩm mới: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch đường biên giới,...

Trong những năm qua, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm nêu trên, một số sản phẩm đã trở thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và địa phương. Nhiều sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng truyền thống được bảo tồn, phát triển thành hàng hóa, có những sản phẩm mới, được hình thành gắn liền với sự phát triển các ngành nghề nông thôn,...

[...]