Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2542/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 2542/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/12/2020
Ngày có hiệu lực 15/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2542/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 15 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Công văn số 180/BTNMT-KHTC ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ - dự toán Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3215/TTr-STNMT ngày 01 tháng 12 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung sau:

I. Tên Kế hoạch: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. Tính cấp thiết của việc ban hành kế hoạch

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên lớn, địa hình chia cắt mạnh, phức tạp, gần 80% diện tích là đồi núi có độ dốc lớn hơn 25%. Tỉnh Cao Bằng nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình năm phổ biến từ 1200 - 1600mm. Mạng lưới sông suối trong tỉnh tương đối dày, các hệ thống sông chính chảy qua chủ yếu phát nguồn từ Trung Quốc như: sông Bằng, sông Gâm, sông Quây Sơn, Bắc Vọng,...

Theo báo cáo tính toàn kịch bản BĐKH cho tỉnh Cao Bằng, xu thế BĐKH tỉnh Cao Bằng từ số liệu quan trắc thời kỳ 1961-2019, cho thấy nhiệt độ không khí trung bình năm và các mùa tỉnh Cao Bằng hầu hết đều thể hiện xu thế tăng trong thời kỳ 1961-2019 với tốc độ tăng phổ biến từ 0,1-0,20C/thập kỷ. Nhiệt độ thường tăng thấp nhất ở trạm Nguyên Bình, tăng cao nhất ở trạm Cao Bằng và Bảo Lạc. Nhiệt độ tối cao có xu thế tăng ở tất cả các trạm với tốc độ tăng từ xấp xỉ 0,2 - 0,30C/thập kỷ. Nhiệt độ tối thấp cũng thể hiện xu thế tăng ở tất cả các trạm với tốc độ tăng 0,3 -0,50C/thập kỷ. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi toàn tỉnh với tốc độ tăng 0 - 5 ngày/thập kỷ, tăng cao nhất ở Bảo Lạc. Tỉnh Cao Bằng thường chịu ảnh hưởng của những cơn bão đổ bộ vào ven biển khu vực Đông Bắc hoặc từ Trung Quốc di chuyển đến biên giới Việt Trung. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh thường chịu ảnh hưởng trung bình từ 3-5 cơn bão và một số loại hình thiên tai điển hình như: Bão, áp thấp nhiệt đới, tố lốc, dông sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, hạn hán, rét hại, sương muối,… gây thiệt hại lớn đến tài sản, tính mạng con người, công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đối với sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái địa phương. Những năm gần đây, các loại hình thiên tai xảy ra với mức độ và tần suất thất thường, gây khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão, cũng như gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Theo báo cáo thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng (2019), trong giai đoạn 2012-2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 trận lũ, lụt; 19 trận lũ quét; 9 đợt áp thấp nhiệt đới, 25 đợt sạt lở đất (đặc biệt năm 2017 xảy ra 9 đợt); 60 trận dông, lốc xoáy làm hơn 35 người chết hoặc mất tích, thiệt hại hơn 895 tỷ đồng tài sản nông nghiệp, chăn nuôi, nhà ở và công trình hạ tầng.

Những thiệt hại nói trên đã cho thấy đây là những thách thức đòi hỏi sự chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành và sự tham gia của người dân để đảm bảo phát triển bền vững và ổn định cuộc sống. Trước những thách nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, ngày 29 tháng 12 năm 2011 Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 2897/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong quá trình thực hiện đã triển khai được một số nhiệm vụ quan trọng góp phần chủ động thực hiện thích ứng và giảm nhẹ BĐKH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế liên quan đến thời gian và kinh phí. Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động của BĐKH đến các lĩnh vực, môi trường, kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế về số liệu, phương pháp, năng lực và kinh nghiệm do thực hiện lần đầu.

Trải qua gần một thập kỷ, những kinh nghiệm thực hành mới nhất trong xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH trên thế giới và tại các địa phương khác của Việt Nam cũng đề xuất những thực hành tốt hơn cho việc xây dựng kế hoạch hành động của tỉnh, nhằm hạn chế những rủi ro, trì hoãn dự án do thiếu nguồn lực thực hiện. Bên cạnh đó, năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam với nhiều thay đổi về diễn biến và tình hình khí hậu theo số liệu kịch bản mới. Số liệu mới được bổ sung cho lần cập nhật kịch bản năm 2016 bổ sung các số liệu Khí tượng thủy văn quá khứ từ sau năm 2012 đến 2016.

Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và hướng dẫn cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của quốc gia. Để có cơ sở tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó cập nhật thông tin, số liệu mới, cần thiết về diễn biến thời tiết, khí hậu của tỉnh cũng như tác động của BĐKH trong hơn một thập kỉ qua.

Trên cơ sở căn cứ pháp lý đã đề ra, những thông tin, dữ liệu nền tảng cần được cập nhật chính xác, đồng bộ và thực tiễn yêu cầu thực hiện theo định hướng quốc gia thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, việc triển khai thực hiện Nhiệm vụ xây dựng, cập nhật “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Cao Bằng phù hợp với định hướng của Chính phủ cũng như hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

III. Quan điểm

3.1. Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là ba vấn đề cùng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó đơn vị quản lý nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, định hướng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, cơ chế song phương, đa phương và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực BĐKH và bảo vệ môi trường.

3.2. Yêu cầu về ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển. Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các chính sách, quy hoạch có liên quan.

[...]