Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2542/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang vận tải thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 2542/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 15/07/2015
Ngày có hiệu lực 15/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2542/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KẾT HỢP HÀI HÒA CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI TRÊN HÀNH LANG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - CẦN THƠ - CÀ MAU”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 355/2013/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 318/2014/QĐ-TTg ngày 04/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang vận tải thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau” với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau nhằm phát huy tối đa thế mạnh từng phương thức. Tập trung khai thác lợi thế về vận tải thủy nội địa, vận tải biển ven bờ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển) tập trung chính vào các đầu mối vận tải: cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, các trung tâm vùng sản xuất... đồng thời phát triển dịch vụ logistics và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ vận tải.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trước mắt, khai thác tối đa năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có để tăng khả năng kết nối và nâng cao chất lượng vận tải. Tập trung đầu tư các công trình giao thông có tính đột phá, giải quyết ngay các “nút thắt” trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

- Dành quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đồng thời phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vận tải, có cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ việc hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và logistics.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên hành lang vận tải thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau theo hướng nâng cao vai trò vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường biển nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ.

- Đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau với chất lượng cao, chi phí hợp lý.

b) Mục tiêu cụ thể

- Vận tải hàng hóa

Tổng khối lượng vận tải hàng hóa đến năm 2020 là 93,5 triệu tấn (tăng bình quân 7,7% giai đoạn 2016 - 2020), trong đó: đường bộ đạt 25,3 triệu tấn, chiếm 27,10%; đường thủy nội địa đạt 62,3 triệu tấn, chiếm 66,83%; vận tải pha sông biển đạt 5,67 triệu tấn, chiếm 6,07%.

Tổng khối lượng vận tải hàng hóa đến năm 2030 là 149,33 triệu tấn (tăng bình quân 4,79% giai đoạn đến năm 2030), trong đó: đường bộ đạt 34,7 triệu tấn, chiếm 23,27%; đường thủy nội địa đạt 99,5 triệu tấn, chiếm 66,64%; vận tải pha sông biển đạt 15,0 triệu tấn, chiếm 10,09%1.

- Vận tải hành khách

Tổng khối lượng vận tải hành khách đến năm 2020 là 78,5 triệu hành khách (tăng bình quân 3,38% giai đoạn 2016 - 2020), trong đó: đường bộ đạt 78,2 triệu hành khách, chiếm 99,67%; hàng không đạt 259 nghìn hành khách, chiếm 0,33%2.

Tổng khối lượng vận tải hành khách đến năm 2030 là 98,11 triệu hành khách (tăng bình quân 2,26% giai đoạn đến năm 2030), trong đó: đường bộ đạt 97,70 triệu hành khách, chiếm 99,59%; hàng không đạt 403 nghìn hành khách, chiếm 0,41%.

II. CÁC GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU TRÊN HÀNH LANG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - CẦN THƠ - CÀ MAU

[...]