Quyết định 253/2010/QĐ-UBND quy định mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi tham gia Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy - thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên

Số hiệu 253/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/02/2010
Ngày có hiệu lực 07/03/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Thị Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 253/2010/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 25 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRỢ CẤP GẠO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ Ở MIỀN NÚI THAM GIA DỰ ÁN TRỒNG RỪNG THAY THẾ NƯƠNG RẪY, THUỘC DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG - TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: số 661/QĐ- TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998, số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy;

Xét đề nghị của liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính tại Tờ trình số 2001/TTLS-NN-TC ngày 18 tháng 12 năm 2009; Công văn số 148/SNN-LN ngày 09/02/2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi tham gia Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy - thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên, gồm các nội dung chính sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.

a) Phạm vi áp dụng: về trợ cấp gạo đối với việc trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy đang sản xuất, nương rẫy cũ bỏ hoang chưa phục hồi thành rừng ở trạng thái Ia, Ib và Ic (nhưng không có khả năng phục hồi thành rừng) nằm trong đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.

b) Đối tượng áp dụng: là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất.

2. Thời hạn trợ cấp: là 7 năm kể từ khi bắt đầu triển khai phát dọn thực bì trồng rừng.

3. Về mức trợ cấp gạo.

Mức trợ cấp gạo được xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, mỗi ha là 700 kg/năm hoặc mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng.

- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít, thì mức trợ cấp gạo được tính theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi (mỗi ha là 700kg/năm).

- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu là 10kg/khẩu/tháng.

4. Phương thức trợ cấp.

a) Việc hỗ trợ gạo được quy ra tiền để hộ gia đình tự mua lương thực tại địa phương. Loại gạo chọn để quy đổi ra tiền là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%, không có sâu mọt, nấm mốc và giá gạo được tính theo giá thị trường tại thời điểm quy đổi (do Sở Tài chính thông báo giá) để cấp phát cho hộ gia đình.

b) Về định kỳ cấp phát: ba tháng sẽ hỗ trợ một lần (tháng đầu của quý) tại thôn, buôn nơi hộ gia đình tham gia trồng rừng cư trú.

5. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Trung ương thuộc nguồn kinh phí Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và chương trình mục tiêu quốc gia.

6. Về các nội dung cụ thể khác: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Hà

 

 

[...]