Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 25/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp nhà nước tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 25/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/03/2009
Ngày có hiệu lực 10/04/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2009/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TUYỂN CHỌN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ MỘT SỐ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung ngày 28 tháng 4 năm 2000 và ngày 29 tháng 4 năm 2003);

Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức và miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 38/TTr-SNV ngày 24 tháng 3 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp nhà nước tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng thực hiện Đề án trong các đơn vị sự nghiệp của tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế lựa chọn một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý (cấp Trưởng, cấp Phó); phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng và thẩm định Kế hoạch thực hiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TUYỂN CHỌN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ MỘT SỐ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 31/3/2009 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TUYỂN CHỌN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ MỘT SỐ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG

I. Thực trạng và sự cần thiết thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp

Tỉnh Bắc Giang có 464 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp Sở, UBND cấp huyện; trong đó có 276 Phòng, Ban, Chi cục và 328 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính khối các trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện; các Khoa, Phòng, đơn vị trực thuộc bệnh viện). Tổng số có gần 1.200 cán bộ lãnh đạo, quản lý (Trưởng, Phó) cấp phòng và Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp Sở, UBND cấp huyện; trong đó có 850 cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp, chiếm 68,4% trong tổng số công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng và đơn vị sự nghiệp.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh được thực hiện theo quy định tại các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh như: Quyết định số 51-QĐ/TW ngày 03/5/1999 và Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 04/7/2007 của Bộ Chính trị; Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 10/4/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 61/KH-UB ngày 14/11/2003 của UBND tỉnh. Thực hiện các văn bản nêu trên, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp Sở, UBND cấp huyện của tỉnh được thực hiện dần đi vào nề nếp và bảo đảm đúng quy trình, quy định của trung ương, của tỉnh. Số công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng, Phó cấp phòng và tương đương đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và cơ bản bảo đảm đúng chuyên ngành, phù hợp với chức danh bổ nhiệm; tuổi bổ nhiệm lần đầu đảm bảo ít nhất từ 02 nhiệm kỳ trở lên, trong đó có một số công chức, viên chức mới được bổ nhiệm dưới 30 tuổi. Hầu hết số công chức, viên chức được bổ nhiệm, đề bạt đều trong diện quy hoạch và có phẩm chất chính trị vững vàng, có thời gian rèn luyện, phấn đấu trong các cơ quan, đơn vị; do đó, phần lớn số cán bộ này đều thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của cấp Sở, UBND cấp huyện chậm được đổi mới và bộc lộ một số tồn tại chủ yếu như: Nguồn công chức, viên chức bổ nhiệm chủ yếu khép kín trong cơ quan, đơn vị, không được bổ sung từ nơi khác đến; bổ nhiệm theo trình tự cấp Phó lên cấp Trưởng; chưa mạnh dạn lựa chọn số công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản và có năng lực thực sự để bổ nhiệm, đề bạt thẳng giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương; một số chức danh chưa đúng với chuyên môn của ngành, lĩnh vực mà cán bộ, công chức đó đảm nhiệm. Do vậy, dẫn đến tình trạng một số cán bộ lãnh đạo cấp phòng nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp nói riêng còn bất cập về kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và kinh nghiệm quản lý, điều hành yếu nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

Từ những hạn chế đó, dẫn đến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, nhất là đội ngũ lãnh đạo đơn vị sự nghiệp phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để khắc phục hạn chế nêu trên, đồng thời tạo điều kiện cho những công chức, viên chức có tài năng thực sự, phẩm chất đạo đức tốt có cơ hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị thông qua cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết.

Tuy nhiên, có một số tỉnh, thành đã và đang triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, bước đầu có tác dụng tốt. Do vậy, việc tổ chức thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp nhà nước của tỉnh là một giải pháp quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

II. Căn cứ xây dựng Đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra mục tiêu “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng,…đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục…”

[...]