Quyết định 2461/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và Giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 2461/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/09/2011
Ngày có hiệu lực 30/09/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Ma Thị Nguyệt
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2461/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 30 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Chương trình hành động của tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 22/8/2003 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo quản lý, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động;

Căn cứ Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 06/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về tăng cường lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 08/5/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên Triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Kết luận số 03-KL/TU, ngày 26/7/2011 của Ban chấp hành Tỉnh ủy Thái Nguyên, về thông qua một số chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011- 2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 114/TTr-LĐTBXH ngày 25/5/2011, Về việc đề nghị phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và Giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và Giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, với các nội dung như sau:

I- Mục tiêu chung:

Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011 - 2015 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn và phi chính thức. Giúp người dân, đặc biệt là thanh niên xác định “Học nghề để lập nghiệp là sự lựa chọn đúng đắn”.

II- Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển hệ thống dạy nghề có đủ năng lực đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo; tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề. Đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 55%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 37,5% trở lên. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

- Trong 5 năm, hỗ trợ tạo việc làm mới cho 75.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm cho 16.000 lao động thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ quỹ Quốc gia về việc làm; mỗi năm đưa được từ 2.000 đến 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng tỷ lệ lao động tìm việc qua hệ thống TTGTVL lên khoảng 30% vào năm 2015.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ lao động - việc làm và cán bộ quản lý dạy nghề thông qua tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 500 lượt cán bộ lao động - việc làm, dạy nghề/năm từ tỉnh đến cơ sở.

- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất của trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên và trường Dạy nghề Dân tộc nội trú. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập.

III- Các giải pháp thực hiện đề án:

1- Tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, lao động - việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động và toàn xã hội có nhận thức đúng đắn về học nghề, để thu hút người lao động nhất là thanh niên tham gia học nghề, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay.

2- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và tăng cường phân cấp quản lý đối với các nội dung liên quan như thủ tục vay vốn hỗ trợ việc làm, công tác xuất khẩu lao động, cấp giấy phép GTVL, dạy nghề …

3- Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn quỹ quốc gia GQVL, tập trung vốn vào các dự án thu hút nhiều lao động, các ngành nghề mới đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động.

[...]