Quyết định 2453/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Số hiệu 2453/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/11/2010
Ngày có hiệu lực 06/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2453/QĐ-UBND

Huế, ngày 26 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2011-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dạy nghề được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ qui định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 8h/2010/NQCĐ-HĐND ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Phê duyệt Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1631/LĐTBXH-DN ngày 27 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu tổng quát.

a) Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

c) Tạo bước đột phá, tăng tốc về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt 70%.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 30%. Lao động nông nghiệp còn khoảng 50% lao động xã hội. Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động nông thôn.

- Đào tạo 35 ngàn lao động nông thôn (bình quân mỗi năm đào tạo 7 ngàn lao động), chiếm 28.2% trong tổng số lao động xã hội (124.580 ngừơi) qua đào tạo nghề.

- Đào tạo, bồi dưỡng cho 7.650 cán bộ, công chức cấp xã.

b) Giai đoạn 2016-2020.

- Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%. Lao động nông nghiệp còn khoảng 40 – 50% lao động xã hội. Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động nông thôn.

- Đào tạo 40 ngàn lao động nông thôn (bình quân mỗi năm đào tạo 8 ngàn lao động), chiếm 49.2% trong tổng số lao động xã hội (81.280 người) qua đào tạo nghề.

- Đào tạo, bồi dưỡng cho 9.500 cán bộ công chức cấp xã.

II. Nội dung hoạt động của Đề án.

1. Tuyên truyền tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề nông thôn; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

[...]