BỘ CÔNG NGHIỆP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2447/QĐ-BCN
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 07 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ NHU CẦU ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng
5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03 tháng
9 năm 2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14
tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Văn bản số 3122/TTg-CN của Thủ tướng
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2006 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về
việc giao Bộ Công nghiệp xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý
nhu cầu điện (DSM);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện
(DSM) giai đoạn 2007-2015 gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Mục tiêu của Chương trình:
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Chương trình quốc gia về DSM bao gồm các hoạt động
hoàn thiện khung pháp lý về DSM, khuyến khích, thúc đẩy cũng như những biện
pháp quản lý bắt buộc nhằm chuyển biến, thực hiện đồng bộ các bước nâng cao nhận
thức cộng đồng về DSM, thu hút sự quan tâm để chuyển thành nhu cầu và thúc đẩy
các hành động về DSM trong toàn xã hội.
b) Thông qua các hoạt động của Chương trình, đạt được
mục tiêu về cắt giảm phụ tải đỉnh của hệ thống nhằm giảm nhu cầu vốn đầu tư vào
xây dựng các nguồn điện mới, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, đồng thời
góp phần bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng,
thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
c) Xây dựng năng lực tổ chức cho các đơn vị hoạt động
điện lực để triển khai chương trình DSM trên quy mô rộng.
2. Các mục tiêu cụ thể:
a) Phấn đấu cắt giảm được nhu cầu công suất đỉnh của
hệ thống điện quốc gia năm 2010 là 500MW và năm 2015 là 1.200MW thông qua triển
khai thực hiện các chương trình DSM.
b) Giai đoạn 2007-2010 sẽ hoàn thành xây dựng và
ban hành khung các văn bản pháp luật đồng bộ với các Luật và các văn bản dưới
Luật liên quan đến quản lý nhu cầu điện (DSM).
II. Các nội dung của Chương
trình:
Nhóm nội dung 1: Các chương trình hỗ trợ DSM
1. Chương trình nghiên cứu phụ tải:
a) Nội dung:
- Thu thập và phân tích các số liệu về tiêu thụ điện
của các thành phần phụ tải điện nhằm xác định quy luật sử dụng điện của khách
hàng phục vụ cho công tác dự báo nhu cầu điện, quy hoạch phát triển hệ thống điện
và xây dựng các giải pháp nhằm điều hòa biểu đồ phụ tải theo hướng giảm chênh lệch
cao thấp điểm để tối ưu hóa việc vận hành hệ thống điện.
- Đến 2010: Có 1.500 khách hàng đăng ký tham gia
chương trình nghiên cứu phụ tải; đến 2015 sẽ có 3.000 khách hàng tham gia
chương trình.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì xây dựng và điều phối
thực hiện các nội dung chương trình chi tiết, Tập đoàn điện lực Việt Nam, các
công ty điện lực và các khách hàng sử dụng điện là các đơn vị thực hiện.
2. Đánh giá các chương trình DSM đã và đang được
thực hiện; đề xuất các chương trình DSM thí điểm mới:
a) Nội dung:
- Rà soát và đánh giá hiệu quả thực hiện các chương
trình DSM đã và đang thực hiện đến hình dáng biểu đồ phụ tải điện.
- Căn cứ vào các kết quả dự báo nhu cầu điện, sự
thay đổi cơ cấu của các thành phần phụ tải trong biểu đồ phụ tải dự báo, xây dựng
phương pháp luận và trình tự thực hiện việc sàng lọc, lựa chọn nhằm đề xuất các
chương trình DSM thí điểm phục vụ cho kế hoạch DSM trung và dài hạn với mục
tiêu điều chỉnh hình dáng biểu đồ phụ tải điện theo hướng giảm chênh lệch cao
và thấp điểm.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì quản lý và điều phối
thực hiện các nội dung của Chương trình. Các đơn vị Tư vấn trong và ngoài nước
sẽ tham gia xây dựng và thiết kế chi tiết các chương trình thí điểm.
Nhóm nội dung 2: Các dự án DSM trung và dài
hạn bao gồm:
1. Chương trình kiểm soát phụ tải trực tiếp
(LDC):
a) Nội dung:
- Quản lý phụ tải trực tiếp là khả năng của các
công ty điện lực có thể điều khiển các thiết bị sử dụng điện phía khách hàng và
được khách hàng chấp thuận.
- Giai đoạn 2007-2010: Xây dựng thí điểm 03 chương
trình điều khiển phụ tải trực tiếp sử dụng công nghệ điều khiển bằng sóng điện
từ tại 3 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với mục tiêu có 150 khách
hàng tham gia vào chương trình và giảm 5MW công suất vào giờ đỉnh.
- Giai đoạn 2011-2015: Mở rộng chương trình thí điểm
lên 05 chương trình ở 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải
Phòng và Cần Thơ) với mục tiêu có 600 khách hàng tham gia và giảm 20MW công suất
đỉnh.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì xây dựng và giám sát
thực hiện các chương trình chi tiết, các công ty điện lực là các đơn vị thực hiện.
2. Chương trình công tơ biểu giá theo thời gian
(TOU) và các biện pháp khuyến khích có liên quan
a) Nội dung:
- Nhằm giảm công suất đỉnh của hệ thống qua việc áp
dụng biểu giá theo thời gian khuyến khích khách hàng dịch chuyển phụ tải từ giờ
cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường.
- Giai đoạn 2008-2010: Lắp đặt 25.600 công tơ TOU
cho các hộ phụ tải có mức tiêu thụ hàng tháng từ 1.500 kWh trở lên;
- Giai đoạn 2011-2015: Lắp đặt 82.000 công tơ TOU
cho các hộ phụ tải có mức tiêu thụ hàng tháng từ 1.000 kWh trở lên.
b) Tổ chức thực hiện:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị xây dựng và quản
lý thực hiện chương trình; Cục Điều tiết điện lực phê duyệt và giám sát thực hiện
chương trình; các Công ty điện lực là các đơn vị thực hiện.
3. Chương trình áp dụng biểu giá đặc biệt cho
khách hàng chấp nhận bị ngắt điện (I&C):
a) Nội dung:
- Thiết kế biểu giá I&C;
- Xây dựng chương trình thí điểm với mục tiêu đến
2015 sẽ có 200 khách hàng công nghiệp, thương mại dịch vụ với mức tiêu thụ trên
1.000.000kWh/năm tham gia.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì xây dựng và quản lý
thực hiện, các công ty điện lực chịu trách nhiệm thực hiện chương trình;
4. Chương trình Bù công suất phản kháng:
a) Nội dung:
Tư vấn cho khách hàng trong việc áp dụng giải pháp
bù công suất phản kháng nhằm nâng hệ số công suất (cosφ) trong khu vực sản xuất
công nghiệp, nơi mà công suất phản kháng (công suất vô công) trong lưới được
tiêu thụ chủ yếu ở các mô-tơ truyền động trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất
để giảm tổn thất điện năng tăng hiệu quả sử dụng điện.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì xây dựng và quản lý
thực hiện, các công ty điện lực chịu trách nhiệm thực hiện chương trình;
Nhóm nội dung 3: Chương trình quốc gia nâng
cao nhận thức về DSM
a) Nội dung:
- Nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các chương
trình quảng bá và tiếp thị trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm
thúc đẩy quá trình áp dụng chương trình DSM.
- Phối hợp thực hiện các hoạt động kiểm tra chất lượng,
dán nhãn và xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị
sử dụng điện, nhằm đảm bảo tính lâu dài cho chương trình DSM.
- Xây dựng giáo trình đào tạo chính thức và tài liệu
tham khảo về tiết kiệm năng lượng và DSM cho các trường phổ thông cơ sở và
trung học.
b) Tổ chức thực hiện:
Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Bộ
Giáo dục và Đào tạo xây dựng giáo trình đào tạo chính thức và tài liệu tham khảo
về tiết kiệm năng lượng và DSM, phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam trong
các hoạt động kiểm tra chất lượng, dán nhãn và xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất
năng lượng tối thiểu cho các thiết bị sử dụng năng lượng.
Nhóm nội dung 4: Hoàn thiện khung pháp lý về
quản lý nhu cầu điện (DSM)
a) Nội dung:
- Hoàn thiện xây dựng khung pháp lý cao nhất cho quản
lý nhu cầu điện;
- Xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ hướng
dẫn chi tiết về quản lý nhu cầu điện và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ
Công nghiệp ban hành hướng dẫn chi tiết về thực hiện DSM;
- Xây dựng cơ chế, chính sách và biểu giá điện phù
hợp nhằm khuyến khích thực hiện các chương trình DSM trung và dài hạn, khuyến
khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và dịch chuyển biểu đồ tiêu thụ điện theo hướng
giảm dần chênh lệch cao và thấp điểm (các chương trình I&C, TOU, DLC…);
- Xây dựng quy định về bù công suất phản kháng;
- Xây dựng các cơ chế, chính sách để từng bước
thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện nhằm đảm bảo thực hiện
thành công các nội dung của chương trình tiết kiệm năng lượng và các chương
trình DSM.
b) Tổ chức thực hiện:
Bộ Công nghiệp là cơ quan chủ trì phối hợp với các
Bộ ngành liên quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản
lý nhu cầu điện, Cục Điều tiết điện lực là đơn vị đầu mối thực hiện;
Tổng chi phí thực hiện Chương trình quốc gia về Quản
lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2007-2015 là 119,56 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2007-2010 là: 34,82 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2011-2015 là: 84,74 tỷ đồng.
III. Thời gian thực hiện Chương
trình:
Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (DSM)
bắt đầu được thực hiện từ năm 2007 đến năm 2015, chia làm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2007-2010): Giai đoạn triển
khai tích cực xây dựng năng lực thực hiện, hoàn thiện khung pháp lý DSM, thực
hiện các chương trình DSM thí điểm, hỗ trợ và chiến dịch nâng cao nhận thức của
khách hàng sử dụng điện về DSM.
- Giai đoạn 2 (2011-2015): Giai đoạn Chương
trình đã đi vào nề nếp hoạt động. Triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội
dung của Chương trình DSM trung và dài hạn.
Điều 2. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình quốc gia về Quản
lý nhu cầu điện (DSM).
1. Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện
(DSM) được áp dụng giải pháp tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006. Chương trình được sử dụng
các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài
chính quốc tế, và nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia các chương trình DSM cụ
thể trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
2. Thực hiện các giải pháp đầu tư, khoa học công
nghệ và đào tạo bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Thực hiện việc đầu tư có chọn lọc trong việc tăng
cường năng lực cho các tổ chức tư vấn thiết kế, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng;
đầu tư cho công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức của khách hàng sử dụng điện về DSM.
- Xây dựng chi tiết nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực
thực hiện DSM trong nước, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án DSM để khuyến
khích phát triển.
- Xây dựng các đề tài về phát triển công nghệ sản
xuất sản phẩm mới của doanh nghiệp, xây dựng chính sách về quản lý nhu cầu điện,
thông qua kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ của các Bộ.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc
đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực DSM
thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, gửi cán bộ đi đào
tạo ở nước ngoài, gửi đoàn khảo sát đi nước ngoài.
Điều 3. Tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu
điện (DSM):
1. Giao Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình; điều phối toàn bộ hoạt động của
Chương trình và thực hiện các phần nội dung được phân công.
2. Các đơn vị tham gia Chương trình xây dựng đề
cương triển khai từng nội dung cụ thể để Cục Điều tiết điện lực tập hợp trình Bộ
Công nghiệp thông qua, tổng hợp đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm.
3. Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện được
sử dụng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lập kế hoạch đăng ký vốn
hàng năm, trình Bộ Công nghiệp phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Văn
phòng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực có
liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải
|