Quyết định 24/2022/QĐ-UBND quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu | 24/2022/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 13/06/2022 |
Ngày có hiệu lực | 23/06/2022 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Trần Hữu Thế |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2022/QĐ-UBND |
Phú Yên, ngày 13 tháng 6 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 9 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư sô 32/2018/TT-BGDĐT ngay 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên tại Tờ trình số 775/TTr-SGDĐT ngày 09 tháng 6 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2. Quyết định này áp dụng đối với các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi là cơ sở giáo dục phổ thông); các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa
1. Tiêu chí 1: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
a) Cấu trúc sách giáo khoa được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục phổ thông chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 01 hoặc 02 buổi/ngày;
b) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, giúp cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục;
c) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo chính xác, có tính kế thừa, ngôn ngữ gần gũi, trong sáng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương;
d) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính linh hoạt, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng và phong cách học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương;
đ) Chất lượng sách giáo khoa phải đảm bảo sử dụng lâu dài và có giá bán hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2. Tiêu chí 2: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông
a) Các bài học/chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế, trình bày khoa học với các hoạt động học tập phong phú, được hướng dẫn rõ ràng, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực; thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kỹ năng, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập;
b) Sách giáo khoa có các nội dung, chủ đề kiến thức liên môn giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết bài học với thực tiễn cuộc sống;
c) Nội dung sách giáo khoa thể hiện rõ, đủ các yêu cầu về mức độ cần đạt, đảm bảo mục tiêu phân hóa, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh;
d) Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để cơ sở giáo dục phổ thông, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học;