ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/2024/QĐ-UBND
|
Hải Dương, ngày
14 tháng 3 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CÁC CƠ SỞ
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban
hành chương trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
27/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định
việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quyết định này quy định tiêu
chí lựa chọn sách giáo khoa trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục
thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ
sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục
thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung
là cơ sở giáo dục phổ thông) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các tổ/nhóm chuyên môn, cá nhân giáo viên, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ
thông; các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông; các tổ
chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ
sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 3.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa đối với cấp tiểu học
1. Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của tỉnh Hải Dương, với vị trí nằm ở
trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội
- Hải Phòng - Quảng Ninh.
2. Cấu trúc, nội dung sách giáo
khoa tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội
dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương.
3. Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo phù hợp với điều kiện của địa phương, tình hình cơ sở vật chất, trang thiết
bị và các điều kiện dạy học khác của nhà trường.
4. Phù hợp với việc học của học
sinh
a) Sách giáo khoa trình bày hấp
dẫn, gây hứng thú cho học sinh; sắp xếp cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh
hình, đảm bảo tính khoa học, chính xác, thẩm mĩ, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Cha mẹ có thể tham khảo sách giáo khoa để hỗ trợ cho con học tập ở nhà.
b) Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển
khai hoạt động dạy và học, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình; chú trọng
đến việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận
dụng kiến thức mới thông qua các nhiệm vụ học tập đưa ra cho học sinh trong mỗi
bài học.
c) Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, tính khả thi, có thể điều chỉnh phù hợp với
nhiều nhóm đối tượng học sinh của nhà trường.
d) Cấu trúc mỗi bài học/chủ đề
trong sách giáo khoa được thiết kế đúng trọng tâm, tránh dàn trải nhằm thúc đẩy
học sinh học tập tích cực, rèn luyện khả năng hợp tác, kích thích tư duy sáng tạo,
độc lập của học sinh.
5. Phù hợp với việc tổ chức dạy
học của giáo viên
a) Các bài học/chủ đề trong
sách giáo khoa được thiết kế hợp lý với các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện
cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy
học tích cực, linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy năng lực học tập của mọi đối tượng
học sinh.
b) Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo tính tích hợp kiến thức liên môn, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học
tích hợp, gắn kết với thực tiễn cuộc sống của học sinh tại địa phương.
c) Nội dung sách giáo khoa tạo
điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh
giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch và hoạt động giáo dục của
nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
d) Nội dung sách giáo khoa tạo
điều kiện thuận lợi cho giáo viên khai thác và sử dụng các tư liệu, đồ dùng,
trang thiết bị dạy học tại nhà trường đạt hiệu quả.
6. Các yếu tố đi kèm với sách
giáo khoa
a) Phương pháp bồi dưỡng, tập
huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường trong việc sử dụng
sách giáo khoa hiệu quả, đảm bảo chất lượng.
b) Danh mục thiết bị dạy học đi
kèm sách giáo khoa; nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung đa dạng, phong
phú, phù hợp, dễ sử dụng.
c) Chất lượng sách giáo khoa tốt
(Giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ...).
d) Kênh phân phối, phát hành
sách giáo khoa đảm bảo đáp ứng yêu cầu kịp thời.
Điều 4.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ
thông
1. Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của tỉnh Hải Dương, với vị trí nằm ở
trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội
- Hải Phòng - Quảng Ninh.
2. Có tính mở, mềm dẻo, có khả
năng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, hoạt động đặc thù thích hợp, sát với
thực tế địa phương, phù hợp nội dung giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương.
3. Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo tính tích hợp các kiến thức nội môn, liên môn, kiến thức thực tiễn và giáo
dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh trung học.
4. Phù hợp với điều kiện cơ sở
vật chất và kiểm tra, đánh giá tại cơ sở giáo dục phổ thông
a) Nội dung sách giáo khoa phù
hợp với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở giáo dục phổ
thông để tổ chức dạy học hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu cần đạt trong
chương trình.
b) Nội dung sách giáo khoa tạo điều
kiện thuận lợi để cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đổi mới kiểm tra, đánh giá kết
quả học tập của học sinh theo quy định, hình thành và phát triển tối đa phẩm chất
năng lực cho học sinh trung học.
5. Góp phần giúp giáo viên áp dụng
hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực
a) Nội dung sách giáo khoa đảm
bảo tính khoa học, hiện đại, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cần đạt của chương
trình, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực cho các đối tượng học sinh
trung học. Cấu trúc mỗi bài học/chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế tinh
gọn, đúng trọng tâm, không dàn trải, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai
hoạt động dạy và học.
b) Các bài học/chủ đề thiết kế
trong sách giáo khoa tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ
thông tin; lựa chọn, áp dụng đa dạng các kỹ thuật, hình thức tổ chức và phương
pháp dạy học tích cực để phát triển phẩm chất năng lực của mọi đối tượng học
sinh; hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, gắn kết với các hoạt động trải
nghiệm, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống.
c) Sách giáo khoa tạo thuận lợi
cho giáo viên chủ động, linh hoạt trong quá trình dạy học, kết nối, tìm tòi, mở
rộng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm
tra đánh giá.
6. Góp phần giúp học sinh trung
học chủ động, tích cực học tập, phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất
Sách giáo khoa được sắp xếp cân
đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, trình bày hấp dẫn, có tính thẩm mĩ,
phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học; tạo hứng thú học tập, kích thích tư
duy sáng tạo của học sinh; định hướng cho học sinh tự học; cha mẹ có thể tham
khảo để hỗ trợ cho con học tập ở nhà.
7. Các yếu tố đi kèm với sách
giáo khoa
a) Thiết bị dạy học đi kèm sách
giáo khoa phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục phổ
thông, dễ sử dụng, có thể tự làm, bổ sung hoặc thay thế.
b) Chất lượng sách giáo khoa tốt
(Giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ...).
c) Kênh phân phối, phát hành
sách giáo khoa đảm bảo đáp ứng yêu cầu kịp thời.
Điều 5. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Giữ vai trò là cơ quan thường
trực, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các
cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc lựa chọn
sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đúng các
tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Quy định này.
b) Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa đảm bảo các tiêu chí theo Quy định này.
c) Tổng hợp các kiến nghị điều
chỉnh, bổ sung tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông
(nếu có); báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và
Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý lựa chọn
sách giáo khoa đúng các tiêu chí theo Quy định này.
b) Tổng hợp phản ánh, kiến nghị
của các cơ quan, tổ chức cá nhân và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để điều chỉnh,
bổ sung theo quy định.
Điều 6.
Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày 14 tháng 3 năm 2024.
2. Các văn bản trước đây do Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành có quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa
trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hải Dương hết hiệu lực kể từ ngày Quyết
định này có hiệu lực thi hành.
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Phòng GDĐT các huyện, TX, TP;
- Các cơ sở giáo dục phổ thông (do Sở GDĐT sao gửi);
- Trung tâm CNTT, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, H. (10).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh Hùng
|