Quyết định 24/2002/QĐ-BCN về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 24/2002/QĐ-BCN
Ngày ban hành 10/06/2002
Ngày có hiệu lực 25/06/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đặng Vũ Chư
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2002/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 10  tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 24/2002/QĐ-BCN NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CỦA DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, LẮP RÁP XE HAI BÁNH GẮN MÁY

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý công nghệ và Chất lượng sản phẩm;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hai bánh gắn máy”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định được ban hành kèm theo Quyết định này thay thế cho các quy định trước đây của Bộ công nghiệp về tiêu chuản sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ và các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hai bánh gắn máy chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Đặng Vũ Chư

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN CỦA DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, LẮP RÁP XE HAI BÁNH GẮN MÁY
(Ban hành kèm theo quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 07 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

1- Phạm vi, đối tượng áp dụng:

Quy định này đề ra các tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy (sau đây gọi tắt là xe gắn máy) thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo luật pháp Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).

2- Về quy mô đầu tư:

a) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải tự đầu tư chế tạo hoặc liên doanh đầu tư chế tạo các chi tiết, cụm chi tiết xe gắn máy đạt tỷ lệ nội địa hoá tối thiếu là 20% (theo Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 92/2001/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 20-11-2001 của Liên bộ tài chính, Công nghiệp và Tổng cục Hải quan). Trong đó phải gắn với việc sản xuất những linh kiện thuộc một số trong các nhóm phụ tùng chủ yếu như: động cơ, khung xe, bộ phận truyền động.

Liên doanh sản xuất phụ tùng phải tuân thủ Thông tư liên tịch nêu trên và hướng dẫn bổ sung của Liên Bộ Tài chính, Công nghiệp tại Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04 tháng 6 năm 2002.

b) Doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ chế tạo các chi tiết, cụm chi tiết do doanh nghiệp sản xuất, dây chuyền lắp ráp và kiểm tra chất lượng xe gắn máy bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với công suất lấp ráp theo thiết kế.

c) Nhà xưởng sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải được thiết kế, xây dựng theo đúng luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp công suất thiết kế và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước về điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và bảo đảm cảnh quan chung; có hệ thống xử lý chất thải phù hợp với tính chất sản xuất cụ thể của doanh nghiệp.

Nhà xưởng, kho bãi, khu văn phòng điều hành sản xuất cũng như các công trình phụ khác của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải được xây dựng trên khu đất được thuê sử dụng dài hạn từ 15 năm trở lên theo quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương. Khu vực sản xuất phụ tùng phải được bố trí tách biệt với khu vực lắp ráp xe gắn máy, có diện tích mặt bằng đủ cho bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ chế tạo. Nền nhà xưởng phải được phủ sơn chống trơn, có vạch chỉ giới phân biệt rõ lối đi an toàn và mặt bằng công nghệ sản xuất.

d) Đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp động cơ thực hiện theo quy định tại mục a, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ và mục 2.1 khoản 2 Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04-6-2002, trong đó doanh nghiệp phải tự đầu tư sản xuất được ít nhất một chi tiết hoặc cụm chi tiết hoàn chỉnh sau đây: Cụm đầu xy lanh, cụm thân máy, cụm trục khuỷu pit-tông, bộ ly hợp, cụm trục cam-xupap, bộ phát điện, cụm truyền hộp số và bộ chế hoà khí.

Động cơ xe gắn máy do doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải được đầu tư công nghệ chế tạo, có thiết kế sản phẩm hoặc được chuyển giao công nghệ hợp pháp.

d) Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chương trình sản xuất xe gắn máy và động cơ xe gắn máy thực hiện theo đúng luận chứng kinh tế - kỹ thuật, Giấy phép đầu tư và các quy định khác có liên quan của Nhà nước Việt Nam. Trường hợp trong các hồ sơ văn bản trên chưa quy định cụ thể, các doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định này.

3- Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm:

a) Xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy do doanh nghiệp sản xuất phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật về thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo và kiểm tra chất lượng; không vi phạm quyền bảo hộ về sở hữu công nghiệp; các phụ tùng mua về lắp ráp phải bảo đảm tính pháp lý về nguồn gốc xuất xứ.

b) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải tuân thủ các quy định hiện hành về chất lượng hàng hoá; phải thực hiện hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá xe gắn máy, phụ tùng xe gắn máy do mình sản xuất, lắp ráp.

c) Xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy xuất xưởng do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải được ghi nhãn hàng hoá và có đầy đủ các tài liệu kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 05/2001/TT-BCN ngày 18 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

4- Tiêu chuẩn về trình độ kỹ thuật, công nghệ.

[...]