Quyết định 2352/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án "Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008-2015"

Số hiệu 2352/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/11/2009
Ngày có hiệu lực 16/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Cường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2352/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2008 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về Thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007- 2010; Công văn số 2963/BNN-KL ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng và đề án nương rẫy;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 869/TTr-SNN ngày 20 tháng 8 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015.

2. Đơn vị xây dựng đề án: Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị.

3. Mục tiêu:

- Xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm sử dụng có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

- Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có;

- Đảm bảo trên 80% diện tích rừng của tỉnh (Bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, tương đương 175.000 ha) có chủ rừng;

- Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng;

- Giao rừng, cho thuê rừng ổn định, lâu dài để các chủ rừng an tâm quản lý, bảo vệ và đầu tư phát triển rừng; chủ động sản xuất kinh doanh;

- Khuyến khích nhân dân tham gia nhận rừng để bảo vệ và hưởng lợi trên diện tích được giao, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của nhân dân sống ở trong rừng và ven rừng;

- Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người trực tiếp bảo vệ rừng, gắn lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và quốc phòng- an ninh, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

4. Địa điểm thực hiện đề án: Trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Nội dung chủ yếu của đề án

- Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng:

Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; không giao, cho thuê những diện tích rừng đang có tranh chấp.

- Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan quản lý của nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong nước có liên quan đến việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng.

Đối tượng rừng được giao, cho thuê bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng bằng kinh phí nhà nước, nhưng chưa được giao hoặc cho thuê.

[...]