Quyết định 2201/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 2201/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/11/2008
Ngày có hiệu lực 05/11/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Hoàng Bê
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2201/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 05 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Qua xem xét Tờ trình số 89/TTr-STNMT ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo số 82/BC-SKH ngày 03 tháng 10 năm 2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

- Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội nên quy hoạch bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phát triển bền vững;

- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh, bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên trong tổ chức thực hiện phải kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động các nguồn lực trong xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế;

- Bảo vệ môi trường phải trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân và toàn xã hội về bảo vệ môi trường;

- Bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, theo nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; hoạt động bảo vệ môi trường phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, với khoa học công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Nhằm tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đây là mục tiêu lớn cần đạt được nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường;

- Không ngừng phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu và cải thiện các tác động ảnh hưởng từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu cần đạt được để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

* Đến năm 2010 phấn đấu đạt các mục tiêu sau đây:

- Thị xã Bạc Liêu và các thị trấn phải đảm bảo xử lý 90% chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, đặc biệt là tại thị xã Bạc Liêu - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh;

- Có 95% dân số đô thị được dùng nước hợp vệ sinh; quy hoạch và lập dự toán chi tiết, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển về đô thị với hình thức kiên cố và kinh tế nhất;

- Hệ thống giao thông trên địa bàn các khu đô thị được nâng cấp hoàn chỉnh, hệ thống cây xanh trong khu vực nội ô được cải tạo, mang lại môi trường không khí trong lành và thoáng mát trong khu vực; tăng diện tích cây xanh ở các khu đô thị, tăng độ che phủ lên 2,23% vào năm 2010;

- Các khu công nghiệp tỉnh phải hoàn thành cơ bản các hệ thống xử lý nước thải; đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải công nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường; khuyến khích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh ngay tại nguồn;

- Phấn đấu tỷ lệ dân ở nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh đạt khoảng 85% và 70% hộ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh; ngăn ngừa ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

- Từng bước phòng chống và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại vùng ven biển, mà chủ yếu là các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản;

- Đảm bảo diện tích rừng phòng hộ ven biển, tăng cường trồng cây phân tán trong các hộ dân bình quân 10 triệu cây/năm, tăng độ che phủ rừng, các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định;

- Củng cố và tôn tạo lại vườn chim, hạn chế phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực nhạy cảm tập trung nhiều loại động vật đang cư trú.

[...]