Quyết định 215/QĐ-TTg năm 2011 hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 215/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/02/2011
Ngày có hiệu lực 16/02/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 215/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CƠ CẤU, THÀNH PHẦN VÀ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011 - 2016

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 1018 NQ/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21 tháng 01 năm 2011 về công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016;
Căn cứ Kế hoạch số 01/KH-HĐBC ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Hội đồng bầu cử triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016;
Xét tờ trình số 413/TTr-BNV ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Yêu cầu

1. Việc dự kiến và định hướng cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất trong công tác cán bộ.

2. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân, không tham nhũng, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

3. Đảm bảo cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; có tỉ lệ hợp lý các đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là trí thức, tôn giáo, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế.

4. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Thẩm quyền dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình theo quy định tại Điều 14 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003.

Điều 3. Định hướng thực hiện cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính để dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp ở mỗi địa phương, thực hiện các định hướng cơ cấu sau đây:

1. Về cơ cấu đại biểu trẻ dưới ba mươi lăm tuổi, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%.

2. Về cơ cấu đại biểu là phụ nữ, phấn đấu đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên.

3. Về tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 10%.

4. Tăng thêm một Phó Trưởng ban chuyên trách tại các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Điều 4. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

1. Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp căn cứ dân số của từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, ấn định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình theo quy định tại Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003, cụ thể như sau:

a) Đối với Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn

- Xã, thị trấn miền xuôi có từ 4.000 (bốn nghìn) người trở xuống được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 4.000 (bốn nghìn) người thì cứ thêm 2.000 (hai nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu;

- Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ 3.000 (ba nghìn) người trở xuống đến 2.000 (hai nghìn) người được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 3.000 (ba nghìn) người thì cứ thêm 1.000 (một nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu; xã, thị trấn có dưới 2.000 (hai nghìn) người trở xuống đến 1.000 (một nghìn) người được bầu 19 (mười chín) đại biểu; xã, thị trấn có dưới 1.000 (một nghìn) người được bầu 15 (mười lăm) đại biểu;

- Phường có từ 8.000 (tám nghìn) người trở xuống được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 8.000 (tám nghìn) người thì cứ thêm 4.000 (bốn nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu.

b) Đối với Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

- Huyện miền xuôi và quận có từ 80.000 (tám mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 80.000 (tám mươi nghìn) người thì cứ thêm 10.000 (mười nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

- Huyện miền núi và hải đảo có từ 40.000 (bốn mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 40.000 (bốn mươi nghìn) người thì cứ thêm 5.000 (năm nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

- Thị xã có từ 70.000 (bảy mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 70.000 (bảy mươi nghìn) người thì cứ thêm 10.000 (mười nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

[...]