quyết định 214/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 214/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/08/2005
Ngày có hiệu lực 27/09/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 188/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về khoa học và công nghệ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án Phát triển thị trường công nghệ" với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế cơ bản của thị trường công nghệ, môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

3. Tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ; phấn đấu mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2006 - 2010.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và hệ thống văn bản hướng dẫn Luật.

2. Hoàn thành cơ bản việc chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của nhà nước có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

3. Ban hành quy định về sở hữu, quản lý và khai thác thương mại tài sản trí tuệ được tạo ra từ kinh phí nhà nước theo hướng khuyến khích mạnh mẽ về lợi ích vật chất và tinh thần cho các tổ chức, cá nhân tạo ra, chuyển giao, áp dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả cao.

4. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý tài sản trí tuệ.

5. Hình thành và đưa vào hoạt động một số trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ ở trung ương và địa phương, bao gồm: 2 trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; một số trung tâm đánh giá, thẩm định, giám định, định giá công nghệ độc lập; một số trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các khu vực tập trung cơ sở đào tạo và nghiên cứu và ở các khu công nghệ cao. Đồng thời thúc đẩy phát triển mạng lưới các tổ chức tư vấn, môi giới, xúc tiến mua bán, chuyển giao công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế.

III. GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ.

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần thiết cho thị trường công nghệ vận hành.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đảm bảo lợi ích quốc gia, đáp ứng yêu cầu của những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, xúc tiến hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ và các chế định trong các lĩnh vực liên quan khác hỗ trợ cho hoạt động mua bán công nghệ.

b) Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

Hoàn thiện các quy định về thực thi trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật; nâng cao hiểu biết và năng lực của cán bộ trong việc phát hiện vi phạm và giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, thực hiện bảo vệ có hiệu quả quyền lợi thực tế của các cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ được pháp luật công nhận.

Nâng cao nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng khoa học và công nghệ và khu vực doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học; xây dựng chương trình bổ túc về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho cán bộ ở các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các cơ quan thực thi pháp luật. Tăng cường đào tạo luật sư về sở hữu trí tuệ.

Bổ sung chức năng quản lý phát triển thị trường công nghệ cho các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở cấp Bộ, ngành và địa phương.

2. Nhóm giải pháp kích cầu công nghệ

a) Xây dựng môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Hoàn thiện môi trường kinh tế vĩ mô tạo thuận lợi và động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đổi mới công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Phát triển các thị trường tài chính, lao động, bất động sản và các thị trường khác, tạo sự đồng bộ và liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thị trường này trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

[...]