Quyết định 2135/QĐ-BNN-TCTL năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2135/QĐ-BNN-TCTL
Ngày ban hành 19/09/2013
Ngày có hiệu lực 19/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hoàng Văn Thắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2135/QĐ-BNN-TCTL

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH THỦY LỢI LƯU VỰC SÔNG LÔ - GÂM”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/UBTVQH10 ngày 04/4/2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH ngày 20/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét văn bản góp ý số 3155/UBND-NLN ngày 17/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, số 1784/SNN-TL ngày 29/10/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, số 77a/CCTL-QH ngày 20/10/2012 của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, số 1122/BC-SNN ngày 21/12/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, số 2717/UBND-NLN ngày 11/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn góp ý cho Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm; Ý kiến đơn vị thẩm tra;

Xét Tờ trình số 109/TTr-QHTL ngày 22/3/2013 của Viện Quy hoạch Thủy lợi về việc xin phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm” kèm theo hồ sơ dự án đã được thẩm tra, bổ sung, chỉnh sửa;

Xét Tờ trình số 35/TTr-TCTL-QLNN ngày 06/8/2013 của Tổng cục Thủy lợi trình phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm”;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm với các nội dung chính sau:

I. PHẠM VI

Phạm vi nghiên cứu chính của dự án là phần diện tích lưu vực sông Lô - Gâm trên lãnh thổ Việt Nam gồm: tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, 5 huyện của tỉnh Lào Cai (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng), 2 huyện của tỉnh Yên Bái (Yên Bình, Lục Yên), 3 huyện của tỉnh Cao Bằng (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình), 4 huyện của tỉnh Bắc Kạn (Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn), 4 huyện của tỉnh Phú Thọ (Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba và thành phố Việt Trì), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc (Lập Thạch, sông Lô) với tổng diện tích tự nhiên 2.262.955 ha, tổng dân số khoảng 3,1 triệu người. Ngoài ra có nghiên cứu: Tình hình sử dụng nước phía thượng lưu Trung Quốc; phòng chống lũ, bổ sung nước mùa kiệt của các công trình trên dòng chính sông Lô - Gâm cho hạ du.

Lưu vực sông Lô - Gâm được chia thành 4 vùng thủy lợi (Phụ lục I).

II. MỤC TIÊU

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Lô - Gâm giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh, công nghiệp và các ngành khác; phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, góp phần phòng chống lũ cho hạ du; thích ứng với biến đổi khí hậu; cải tạo môi trường nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của lưu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao và ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng ven biên giới, cụ thể:

- Đảm bảo nguồn cấp nước cho 3,1 triệu dân, các khu công nghiệp khai khoáng và chế biến nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vùng khan hiếm nước.

- Cấp nước tưới cho khoảng 53.500 ha lúa đông xuân, 87.500 ha lúa mùa, và một phần diện tích trồng màu, cây công nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, khai thác công trình dòng chính điều tiết nước phục vụ sản xuất, phòng chống lũ cho lưu vực và vùng hạ du.

- Đề xuất các giải pháp tiêu nước cho các khu vực tập trung dân cư như thành phố Việt Trì, thành phố Tuyên Quang và giải pháp tổng thể cho khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm ổn định và nâng cao đời sống, bảo vệ người và tài sản của nhân dân trong lưu vực.

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm và dài hạn của các tỉnh trong lưu vực.

III. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

1. Tiêu chuẩn tính toán

a) Tiêu chuẩn cấp nước cho nông nghiệp: Các công trình khai thác dòng chính sông Lô, sông Phó Đáy (từ Liễn Sơn trở xuống) có mức đảm bảo tưới 85%; các công trình còn lại có mức đảm bảo tưới 75%.

b) Tiêu chuẩn tiêu thoát nước: Khu đô thị tính mưa 24 giờ max, tần suất 10%, tiêu trong 24 giờ; Khu vực nông nghiệp tính mưa 5 ngày max, tần suất 10%, tiêu trong 7 ngày.

c) Tiêu chuẩn chống lũ:

[...]