Quyết định 2026/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2026/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/11/2015
Ngày có hiệu lực 17/11/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2026/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Tờ trình số 143/TTr-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, các quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; góp phần bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.

b) Giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6: (Năm 2016: dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 05 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu).

c) Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu (nhất là những mặt hàng nhà nước không khuyến khích nhập khẩu); bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

d) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện là hàng hóa gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia (hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phế liệu, phế thải, vũ khí, chất phóng xạ...). Những mặt hàng này phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay tại cửa khẩu, tại các địa điểm có sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành: Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thực hiện xã hội hóa; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, điều kiện thực hiện xã hội hóa; quy định việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

4. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các Công ước, Hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành của nước xuất khẩu, nhập khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành giữa các cơ quan kiểm tra, quản lý có liên quan.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành:

a) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ những bất cập, những quy định chưa phù hợp theo các mục tiêu, quan điểm nêu trên.

b) Rà soát, xây dựng và ban hành đầy đủ Danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành (mặt hàng phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật); xác định những mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra tại cửa khẩu, cần kiểm tra trước khi thông quan; những mặt hàng được kiểm tra chuyên ngành sau thông quan (trước khi đưa ra lưu thông).

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành phối hợp với Bộ Tài chính định kỳ hàng năm rà soát các Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những mặt hàng có thay đổi, phát sinh trên thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước. Các danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được ban hành kèm mã số HS thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành do Bộ Tài chính ban hành.

d) Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ định rõ cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ban hành các quy định công nhận, thừa nhận tổ chức chứng nhận, giám định chất lượng hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

[...]