UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
---------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
20/2007/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 25 tháng 6 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM TRUYỀN
THANH CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28
tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12
tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số
51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 30/TTr-VHTT ngày 07 tháng 5 năm 2007 về việc
đề nghị ban hành Quy định về quản lý, hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở xã,
phường, thị trấn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản
lý, hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn".
Điều 2.
Giao Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Giám đốc Đài Phát thanh -
Truyền hình tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Lê Thị Quang
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM TRUYỀN THANH CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG,
THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi áp dụng
Quy định này quy định chức năng,
nhiệm vụ và hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi tắt là Trạm Truyền thanh cơ sở); trách nhiệm của các cơ quan liên quan;
tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của người quản lý vận hành và các quy định về
quản lý Nhà nước đối với Trạm Truyền thanh cơ sở.
Điều 2. Đối
tượng điều chỉnh
Đối tượng điều chỉnh là Trạm
Truyền thanh cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, được xây dựng
từ các nguồn vốn hợp pháp;
Các Trạm Truyền thanh xã, phường,
thị trấn thuộc Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã quản lý và trạm
truyền thanh nội bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang
không thuộc đối tượng điều chỉnh tại Quy định này.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1- Trạm Truyền thanh cơ sở: Là hệ
thống truyền thanh hữu tuyến hoặc vô tuyến điện (phát sóng FM) quy mô nhỏ, xây
dựng theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn do Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn trực tiếp quản lý; bao gồm cả các cụm loa lắp đặt tại thôn, xóm, bản,
tổ nhân dân.
2- Hệ thống truyền thanh hữu tuyến:
Là hệ thống máy tăng âm, thiết bị thu tín hiệu âm thanh, thiết bị phụ trợ, hệ
thống đường dây phi - đơ, biến áp đường dây, biến áp loa, loa phóng thanh lắp đặt
ở các thôn, xóm, bản, tổ nhân dân.
3- Hệ thống truyền thanh vô tuyến
điện (còn gọi là hệ thống truyền thanh không dây): Là hệ thống máy phát FM, cột,
ăng ten phát sóng, các thiết bị thu, phát tín hiệu âm thanh; thiết bị phụ trợ;
bộ thu FM và loa phóng thanh lắp đặt ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân.
4- Cụm loa truyền thanh không
dây: Là một phần của hệ thống truyền thanh không dây, gồm bộ thu thanh FM chế tạo
riêng cho truyền thanh không dây và loa phóng thanh. Cụm loa thế hệ mới có thể
được tăng cường thêm micrô và chức năng tăng âm công suất nhỏ.
Điều 4.
Nguyên tắc hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở
Trạm Truyền thanh cơ sở hoạt động
trong phạm vi địa giới hành chính xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật
Báo chí, các quy định của pháp luật hiện hành và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
CÔNG TÁC QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG TRẠM TRUYỀN THANH CƠ SỞ
Điều 5. Chức
năng của Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Tuyên truyền chủ trương, đường
lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2- Nâng cao đời sống văn hoá,
tinh thần của nhân dân.
3- Phục vụ công tác chỉ đạo, điều
hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
Điều 6. Nhiệm
vụ của Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Tiếp âm các chương trình của
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh -
Truyền hình huyện, thị xã.
2- Phát các bản tin, nội dung
văn bản chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
Điều 7. Người
quản lý vận hành
1- Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh xã, phường, thị trấn quản lý, vận hành Trạm Truyền thanh cơ sở.
2- Trưởng thôn, xóm, bản, tổ
nhân dân quản lý, vận hành cụm loa tại thôn, xóm, bản, tổ nhân dân.
Điều 8.
Trách nhiệm của người quản lý, vận hành
1- Người quản lý, vận hành Trạm
Truyền thanh cơ sở:
- Chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp
của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân
cấp xã) về hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở theo quy định của pháp luật và
quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Vận hành máy móc thiết bị đúng
quy trình, quy phạm kỹ thuật; quản lý, bảo vệ máy móc thiết bị an toàn; nếu làm
mất, làm hỏng thiết bị của trạm do nguyên nhân chủ quan thì phải bồi thường
100% giá trị thiết bị tại thời điểm đó; khi có sự cố kỹ thuật phải lập biên bản
báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Tổ chức biên soạn các bản tin;
lập hồ sơ lưu giữ các văn bản, tài liệu, tin, bài đã tuyên truyền theo quy định.
- Tiếp âm các chương trình của
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh -
Truyền hình huyện, thị xã theo quy định.
2- Người quản lý, vận hành cụm
loa thôn, xóm, bản, tổ nhân dân:
- Vận hành, sử dụng thiết bị
đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật; quản lý, bảo vệ máy móc thiết bị an toàn.
- Tiếp âm chương trình phát sóng
của Trạm Truyền thanh cơ sở theo quy định.
Điều 9. Những
việc nghiêm cấm đối với người quản lý, vận hành Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Tự ý cho người không có trách
nhiệm vào phòng máy.
2- Phát sóng tin, bài chưa qua
kiểm duyệt.
3- Thông tin những nội dung phục
vụ mục đích cá nhân.
4- Tự ý tháo, mở máy móc thiết bị.
Điều 10. Thời
gian phát thanh của Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Các ngày trong tuần
a) Buổi sáng: Từ 5 giờ đến 7 giờ.
b) Buổi chiều: Từ 17 giờ đến 19
giờ.
2- Bản tin, thông báo của xã,
phường, thị trấn, thôn, bản, tổ nhân dân không được phát trùng giờ tiếp sóng
chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã. Các bản tin đột xuất, đặc biệt,
phát sóng theo sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Điều 11. Nội
dung phát sóng của Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Tiếp âm chương trình VOV1 (Hệ
Thời sự - Chính trị) của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình phát thanh của
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị
xã; ưu tiên tiếp âm chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
2- Phát bản tin của cơ sở với
các nội dung:
a) Tuyên truyền, phổ biến các chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực
tiếp đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
b) Tuyên truyền các văn bản phục
vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức
đoàn thể tại cơ sở.
c) Nêu gương người tốt, việc tốt,
đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã
hội khác.
d) Đối với cụm loa thôn, xóm, bản,
tổ nhân dân được sử dụng để đọc các thông báo cần thiết phục vụ nhiệm vụ của cơ
sở, không được xây dựng các bản tin riêng.
Điều 12.
Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã
1- Chịu trách nhiệm trước pháp
luật và các cơ quan quản lý Nhà nước về nội dung phát thanh.
2- Kiểm duyệt nội dung tin, bài
tài liệu tuyên truyền; tổ chức lưu trữ văn bản theo đúng quy định hiện hành của
Luật Báo chí.
3- Không được cho phát sóng những
nội dung trái với quy định của pháp luật.
Điều 13. Quản
lý Nhà nước về hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở
1- Trách nhiệm của Sở Văn hoá -
Thông tin:
a) Thực hiện quản lý Nhà nước về
nội dung đối với hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở; phối hợp với Uỷ ban
nhân dân huyện, thị xã và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra nội dung hoạt
động; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Định kỳ hàng năm tổng hợp,
báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả hoạt động của các Trạm Truyền thanh cơ sở
trên phạm vi toàn tỉnh.
2- Trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân huyện, thị xã:
a) Phối hợp với các ngành chức
năng của tỉnh, huy động nguồn lực ở địa phương, tổ chức tốt việc xây dựng và
duy trì hoạt động của hệ thống Trạm Truyền thanh cơ sở trên địa bàn.
b) Chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông
tin và Thể thao phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã theo
dõi, hướng dẫn hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở, kịp thời chấn chỉnh các
vi phạm; có biện pháp hỗ trợ Uỷ ban nhân dân cấp xã bảo đảm duy trì hoạt động của
Trạm Truyền thanh cơ sở thường xuyên, liên tục, an toàn và hiệu quả.
c) Quản lý, hướng dẫn, giám sát
việc thu chi tài chính của Trạm Truyền thanh cơ sở.
d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp
xã thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị và an ninh
phát sóng của Trạm Truyền thanh cơ sở.
e) Tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh, đồng báo cáo Sở Văn hoá - Thông tin kết quả hoạt động của Trạm Truyền
thanh cơ sở theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
3- Trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân cấp xã:
a) Trực tiếp quản lý và chỉ đạo
tổ chức hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở.
b) Phối hợp với các ngành chức
năng của huyện, thị xã trong việc quản lý, bảo vệ an toàn máy móc thiết bị và
an ninh phát sóng của Trạm Truyền thanh cơ sở.
c) Báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã, đồng gửi báo cáo Phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao, Đài Truyền
thanh - Truyền hình huyện, thị xã kết quả hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở,
định kỳ mỗi tháng một lần vào ngày 20 hàng tháng.
Điều 14.
Trách nhiệm của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
1- Tổ chức xây dựng, lắp đặt Trạm
theo kế hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về
thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật vận hành máy móc, thiết bị; nghiệp vụ
khai thác, xử lý thông tin, viết và biên tập bản tin.
3- Phối hợp với các ngành chức
năng của tỉnh, huyện kiểm tra tình trạng kỹ thuật, thực hiện quy trình quy phạm
kỹ thuật, chấp hành các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; đề
xuất biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Điều 15.
Kinh phí hoạt động
1- Kinh phí duy trì hoạt động
thường xuyên:
- Trả thù lao nhân viên quản lý,
bảo vệ, vận hành.
- Tiền điện, vật tư kỹ thuật.
- Duy tu, bảo dưỡng thiết bị.
- Sửa chữa, khắc phục sự cố kỹ
thuật.
2- Xã, phường, thị trấn có Trạm
Truyền thanh cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí hoạt động hàng
năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3- Nguồn kinh phí:
- Kinh phí chi thường xuyên hàng
năm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
- Các nguồn thu hợp pháp khác
trên địa bàn.
- Khi có sửa chữa lớn, nguồn
kinh phí vượt quá khả năng của xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân cấp xã
lập dự toán kinh phí trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xem xét, giải quyết.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16.
Khen thưởng, xử lý vi phạm
1- Tổ chức, cá nhân có thành
tích trong xây dựng, quản lý, hoạt động của Trạm Truyền thanh cơ sở được xét
khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
2- Tổ chức, cá nhân có hành vi
vi phạm Quy định này, tùy mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Điều
khoản thi hành
1- Sở Văn hoá - Thông tin có
trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2- Các sở, ban ngành liên quan;
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách
nhiệm thi hành Quy định này.
Quá trình tổ chức thực hiện nếu
có vấn đề phát sinh, chưa phù hợp, các cơ quan, đơn vị và Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hoá - Thông tin tổng hợp, trình
Uỷ ban nhân dân tỉnh) để xem xét bổ sung, sửa đổi Quy định cho phù hợp./.