Quyết định 1988/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 1988/QĐ-BCT
Ngày ban hành 01/04/2013
Ngày có hiệu lực 01/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1988/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH SẢN XUẤT SẢN PHẨM THUỐC LÁ VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU THUỐC LÁ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Công văn số 1689/VPCP-KTN ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về việc ủy quyền phê duyệt Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

1.1. Về sản xuất thuốc lá

a) Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm thuốc lá, bao gồm sản xuất và nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc lá. Chỉ các doanh nghiệp nhà nước đã được cấp phép và các doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp đã được cấp phép với nước ngoài, trong đó nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mới được sản xuất sản phẩm thuốc lá.

b) Sản xuất sản phẩm thuốc lá là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Không đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước vượt quá sản lượng được phép sản xuất sản phẩm thuốc lá ghi trong giấy phép. Bộ Công Thương quy định sản lượng được phép sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu trong nước, nước ngoài của các doanh nghiệp phù hợp với từng thời kỳ.

c) Sản xuất các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài mới để tiêu thụ tại Việt Nam phải nằm trong phạm vi sản lượng được phép sản xuất của toàn ngành thuốc lá và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

d) Đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá phải phù hợp với nhu cầu chế biến nguyên liệu thuốc lá của các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu, trừ trường hợp đầu tư để chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu.

đ) Nhà nước sẽ điều chuyển sản lượng được phép sản xuất chưa sử dụng hết của các doanh nghiệp còn dư thừa cho các doanh nghiệp đã khai thác hết sản lượng hiện có để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và của xã hội.

e) Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá theo hướng có quy mô lớn, tập trung; hiện đại hóa thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại, bảo vệ môi trường, có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh cao.

g) Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất thuốc lá tiên tiến, hiện đại để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại và bảo vệ môi trường. Trong đó chuyển đổi mạnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm trung, cao cấp, giảm dần tỷ trọng thuốc lá phổ thông để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu và góp phần giải quyết vấn nạn thuốc lá lậu.

1.2. Về nguyên liệu thuốc lá

a) Phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước nhằm từng bước thay thế nhập khẩu, gắn kết khâu chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, phát huy tiềm năng đất đai, lao động góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội chung là xóa đói, giảm nghèo, công nghiệp hóa nông thôn và góp phần giảm nhập siêu.

b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của ngành thuốc lá ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Từng bước xây dựng, sắp xếp lại ngành thuốc lá phát triển theo hướng tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối có quy mô lớn, trình độ thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tăng giá trị và chất lượng sản phẩm. Giảm dần hàm lượng Tar và Nicotine, giảm thiểu độc hại cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu và dần giải quyết vấn nạn thuốc lá nhập lậu.

- Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, vùng trồng cây thuốc lá có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Về sản lượng sản xuất

- Đến năm 2015: Toàn ngành thuốc lá sản xuất và tiêu thụ được khoảng 5.440 triệu bao, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 1,55%/năm, trong đó thuốc lá sản xuất và tiêu thụ trong nước là 4.200 triệu bao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 16 đến 17 nghìn tỷ đồng (theo giá năm 1994), tăng trưởng bình quân đạt 3,5-4%/năm; sản xuất thuốc lá xuất khẩu đạt 1.241 triệu bao, kim ngạch xuất khẩu đạt 160-170 triệu USD, tăng trưởng bình quân đạt 7-8%/năm.

[...]