BỘ CÔNG
THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2332/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày
12 tháng 4 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI KINH DOANH BÁN
BUÔN SẢN PHẨM THUỐC LÁ TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN
NĂM 2025”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11
tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số
17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về
nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển
ngành thương mại;
Quyết định số 6318/QĐ-BCT ngày
01 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề cương và
Dự toán chi phí lập “Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2025”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Thị trường trong nước,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025” với những nội
dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM
QUY HOẠCH
1. Quy hoạch mạng lưới kinh doanh
bán buôn sản phẩm thuốc lá được tiến hành trên nguyên tắc xác định thuốc
lá là hàng hóa hạn chế kinh doanh, không khuyến khích tiêu dùng. Nhà nước
kiểm soát chặt chẽ sự phát triển và phân bố của mạng lưới kinh doanh bán buôn
sản phẩm thuốc lá.
2. Quy hoạch mạng lưới kinh doanh
bán buôn sản phẩm thuốc lá đảm bảo cho hoạt động kinh doanh bán buôn sản phẩm
thuốc lá mang tính hệ thống, đồng bộ từ khâu sản xuất đến bán buôn và các hoạt
động cung ứng dịch vụ.
3. Phát triển lực lượng doanh nghiệp
bán buôn sản phẩm thuốc lá có năng lực, đáp ứng và luôn tuân thủ các điều kiện,
quy định của nhà nước về kinh doanh sản phẩm thuốc lá.
II. MỤC TIÊU
QUY HOẠCH
1. Mục tiêu chung
Từng bước xây dựng, sắp xếp lại mạng
lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá theo hướng xây dựng một cấu trúc hợp lý với sự
tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức nhằm hình thành một hệ
thống các thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá chuyên nghiệp, có năng lực,
có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (bao gồm các sản phẩm thuốc lá sản xuất
trong nước và sản phẩm thuốc lá nhập khẩu) theo từng khu vực địa bàn trong phạm
vi cả nước, nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường có
sự quản lý của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế; hạn chế kinh doanh tự
phát, kinh doanh không có giấy phép; kiểm soát được chất lượng sản
phẩm, giá cả hàng hoá; kiểm soát và hạn chế việc kinh doanh thuốc lá nhập
lậu; góp phần tích cực vào việc phòng, chống tác hại của thuốc lá và bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể
Tổ chức, sắp xếp lại các
thương nhân bán buôn trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây gọi tắt là tỉnh) trên cơ sở mạng lưới kinh doanh bán buôn sản
phẩm thuốc lá hiện có theo hướng:
a. Thời kỳ đến năm 2015
Cơ bản giữ nguyên mạng lưới
kinh doanh hiện tại, gồm có thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên do Bộ Công Thương cấp phép, thương nhân kinh
doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn 01 tỉnh do Sở Công Thương cấp
phép và thương nhân kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn quận/huyện/thị
xã/thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) do Phòng Công Thương hoặc
Phòng Kinh tế hạ tầng (sau đây gọi tắt là Phòng Công Thương) cấp phép; ưu tiên
xem xét, bổ sung thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá tại những
khu vực địa bàn rộng có nhu cầu tiêu dùng lớn; tập trung nâng cao năng lực, cơ
sở vật chất kỹ thuật của thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá để tạo
điều kiện xây dựng mạng lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá cho giai đoạn sau.
Dự kiến đến năm 2015 cả nước có
khoảng 1.000 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá (trong đó có khoảng
200 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh
trở lên, khoảng 800 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa
bàn 01 tỉnh), trong đó miền Bắc chiếm khoảng 50%; miền Trung, Tây Nguyên chiếm
khoảng 24% và miền Nam chiếm khoảng 26%.
b. Giai đoạn 2016 - 2020
Thực hiện quy hoạch mạng lưới kinh
doanh sản phẩm thuốc lá gồm có thương nhân kinh doanh phân phối sản phẩm thuốc
lá (thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên do
Bộ Công Thương cấp phép), thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
(thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn 01 tỉnh do Sở Công
Thương cấp phép), thương nhân kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá (thương nhân
kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn huyện do Phòng Công Thương cấp phép)
dựa trên nguyên tắc xác định số lượng thương nhân kinh doanh phân phối, bán
buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá theo dân số, theo năng lực tài chính, theo khả
năng vận tải, theo hệ thống kho bãi và theo khả năng thâm nhập thị trường của từng
thương nhân để cung cấp sản phẩm thuốc lá tới khách hàng được tốt nhất.
Trong giai đoạn đến năm 2020 cả nước
dự kiến có khoảng 350 thương nhân kinh doanh phân phối sản phẩm thuốc lá, khoảng
1.760 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá (trong đó miền Bắc chiếm
khoảng 45%; miền Trung, Tây Nguyên chiếm khoảng 27% và miền Nam chiếm khoảng
28%).
Trong giai đoạn này cần phải có diện
tích tối thiểu khoảng 123.000 m2, phương tiện vận tải tối thiểu khoảng
2.460 chiếc xe có tải trọng từ 500kg và năng lực tài chính tối thiểu khoảng
2.460 tỷ Việt Nam đồng.
c. Giai đoạn 2021 - 2025
Tiếp tục sắp xếp lại số thương
nhân đã tham gia phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trong giai đoạn
trước để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu
quản lý đặt ra trong thời kỳ này.
Trong giai đoạn này cả nước dự kiến
có khoảng 300 thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, khoảng 1.500 thương nhân
bán buôn sản phẩm thuốc lá (trong đó miền Bắc chiếm khoảng 40%; miền Trung, Tây
Nguyên chiếm khoảng 30% và miền Nam chiếm khoảng 30%).
III. QUY HOẠCH
MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN SẢN PHẨM THUỐC LÁ
1. Căn cứ xác định quy hoạch
Quy hoạch mạng lưới bán buôn sản
phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc được xác định theo những căn cứ sau:
a) Căn cứ lựa chọn và kiểm soát
các thương nhân:
Tại mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn một
số thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá dựa trên căn cứ về dân số, diện
tích, khoảng cách, loại đô thị, khả năng tài chính, khả năng vận tải, hệ thống
kho bãi và kinh nghiệm kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Căn cứ lựa chọn thương nhân kinh
doanh sản phẩm thuốc lá:
- Căn cứ lựa chọn thương nhân
phân phối sản phẩm thuốc lá:
+ Thương nhân kinh doanh phân phối
sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên được xác định theo số dân
trên cả nước theo nguyên tắc không quá một (01) thương nhân kinh doanh phân phối
sản phẩm thuốc lá trên hai trăm năm mươi nghìn (250.000) dân.
+ Có kho hàng (hoặc hệ thống kho
hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn
hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp
(tối thiểu tổng diện tích phải từ 100 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo
quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho.
+ Có phương tiện vận tải thuộc sở
hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn hoặc có hợp đồng
thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối
thiểu phải có hai (02) xe có tải trọng từ 500kg trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản
được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển.
+ Có năng lực tài chính bảo đảm
cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy
xác nhận của ngân hàng tối thiểu hai (02) tỷ Việt Nam đồng trở lên).
+ Có hệ thống phân phối sản phẩm
thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có tối thiểu
từ hai (02) thương nhân đã kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá hoặc dự kiến sẽ
trở thành thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá).
+ Có kinh nghiệm, khả năng xâm nhập
thị trường để kinh doanh mặt hàng thuốc lá (thường là các thương nhân đã kinh
doanh sản phẩm thuốc lá hoặc các mặt hàng tiêu dùng khác).
- Căn cứ lựa chọn thương nhân
bán buôn sản phẩm thuốc lá:
+ Thương nhân kinh doanh bán buôn
sản phẩm thuốc lá trên địa bàn 01 tỉnh được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên
tắc không quá một (01) thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên
năm mươi nghìn (50.000) dân.
+ Có kho hàng (hoặc hệ thống kho
hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn
hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp
(tối thiểu tổng diện tích phải từ 50 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo
quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho.
+ Có phương tiện vận tải thuộc sở
hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn hoặc có hợp đồng
thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối
thiểu phải có một (01) xe có tải trọng từ 500kg trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản
được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển.
+ Có năng lực tài chính bảo đảm
cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy
xác nhận của ngân hàng tối thiểu một (01) tỷ Việt Nam đồng trở lên).
+ Có hệ thống bán buôn sản phẩm
thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (phải có tối thiểu
từ hai (02) thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên).
+ Có kinh nghiệm, khả năng xâm nhập
thị trường để kinh doanh mặt hàng thuốc lá (thường là các thương nhân đã kinh
doanh sản phẩm thuốc lá hoặc các mặt hàng tiêu dùng khác).
2. Quy hoạch mạng lưới kinh
doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
a) Giai đoạn đến năm 2015
Đến năm 2015 cả nước có khoảng
1.000 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá (trong
đó có khoảng 200 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc
lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, khoảng 800 thương nhân kinh doanh bán buôn
sản phẩm thuốc lá trên địa bàn 01 tỉnh), trong đó miền Bắc
chiếm khoảng 50%; miền Trung, Tây Nguyên chiếm khoảng 24% và miền Nam chiếm khoảng
26%.
b) Giai đoạn 2016-2020
Đến năm 2020 cả nước dự kiến có
khoảng 350 thương nhân phân phối, khoảng 1.760 thương nhân bán buôn sản phẩm
thuốc lá (trong đó miền Bắc chiếm khoảng 45%; miền Trung, Tây Nguyên chiếm khoảng
27% và miền Nam chiếm khoảng 28%).
Trong giai đoạn này cần phải
có kho hàng, phương tiện vận tải và năng lực tài chính, cụ thể như sau:
- Kho hàng
trong giai đoạn này cần phải có diện tích tối thiểu khoảng
123.000 m2 trở lên, trong đó:
+ Thương nhân
phân phối sản phẩm thuốc lá cần phải có diện tích tối thiểu
khoảng 35.000 m2 trở lên;
+ Thương
nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá cần phải
có diện tích tối thiểu khoảng
88.000 m2 trở lên.
- Phương tiện
vận tải trong giai đoạn này cần phải có tối thiểu khoảng 2.460 chiếc xe có tải trọng từ 500kg trở lên, trong đó:
+ Thương nhân
phân phối sản phẩm thuốc lá cần phải có phương tiện vận tải
tối thiểu khoảng 700 xe trở lên;
+ Thương nhân
bán buôn sản phẩm thuốc lá cần phải có phương tiện vận tải
tối thiểu khoảng 1.760 xe trở lên.
- Năng lực
tài chính trong giai đoạn này cần phải có tối thiểu khoảng
2.460 tỷ Việt Nam đồng trở lên, trong đó:
+ Thương nhân
phân phối sản phẩm thuốc lá cần phải có năng lực tài chính
tối thiểu khoảng 700 tỷ Việt Nam đồng trở lên;
+ Thương nhân
bán buôn sản phẩm thuốc lá cần phải có năng lực tài chính
khoảng 1.760 tỷ Việt Nam đồng trở lên.
c) Giai đoạn 2021 - 2025
Sắp xếp lại số thương nhân phân phối,
bán buôn đã kinh doanh sản phẩm thuốc lá để điều chỉnh trong giai đoạn này có
khoảng 300 thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, khoảng 1.500 thương nhân
bán buôn sản phẩm thuốc lá (trong đó miền Bắc chiếm khoảng 40%; miền Trung, Tây
Nguyên chiếm khoảng 30% và miền Nam chiếm khoảng 30%) theo nguyên tắc:
- Xem xét, sắp xếp, điều chỉnh lại
thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá
hợp lý theo đề nghị của các nhà cung cấp, nhu cầu của thị
trường, thị hiếu người tiêu dùng và tuân thủ các nguyên tắc đặt ra trong giai
đoạn này.
- Quản lý được hệ thống bán lẻ sản
phẩm thuốc lá chặt chẽ hơn theo quy hoạch của địa phương, phân cấp quản lý xuống
cấp xã, phường.
IV. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đối với
nhà nước
a) Tiến hành
xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị định mới hướng dẫn Luật
Phòng, chống tác hại của thuốc lá để thay thế Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày
18 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá và Dự thảo
Thông tư mới thay thế Thông tư số 02/2011/TT-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2011 của
Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2007/NĐ-CP
ngày 18 tháng 07 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá.
b) Tăng cường
các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh, các
quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm thuốc lá đối với các thương nhân
kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhằm tạo một hệ thống kinh doanh ổn định để chống
hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
c) Tổ chức
tuyên truyền, phổ biến các quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh sản
phẩm thuốc lá tới các thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá và tới các cơ
quan chức năng có liên quan.
d) Đẩy nhanh
quá trình hình thành và phát triển các loại hình kinh doanh sản phẩm thuốc lá
hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc
lá đã được hình thành trong giai đoạn vừa qua.
2. Đối với
các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá
a) Xây dựng
chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường phù hợp với yêu cầu kiểm soát, quản
lý của nhà nước. Tổ chức nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để có giải
pháp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường.
b) Xây dựng và
kiểm soát hệ thống thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thành một mạng lưới
kinh doanh sản phẩm thuốc lá ổn định.
3. Đối với
Hiệp hội thuốc lá Việt Nam
a) Phối hợp với
các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
trong hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá.
b) Tập hợp các
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá để hướng dẫn, trao đổi kinh
nghiệm xây dựng và kiểm soát mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trách nhiệm của Bộ Công
Thương
Bộ Công Thương có trách nhiệm công
bố quy hoạch, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn
Sở Công Thương các tỉnh thực hiện Quyết định này, tập trung vào những công việc
chủ yếu sau đây:
a) Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc
thực hiện Quy hoạch.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh rà
soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán
lẻ sản phẩm thuốc lá của các địa phương phù hợp với Quy hoạch này và các văn bản
pháp luật có liên quan.
c) Hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh
trong việc quản lý và kiểm tra mạng lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá đã được cấp
phép.
d) Rà soát cơ chế, chính sách và
pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc thống
nhất với các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
e) Xây dựng và
trình Chính phủ phê duyệt Đề án quốc gia về chống buôn lậu thuốc lá.
2. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải
pháp, chính sách trong Quy hoạch này.
3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tham gia cùng các Bộ, ngành kiểm
tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch này, chỉ đạo Sở Công Thương
phối hợp với các đơn vị có liên quan trong địa bàn triển khai một số nhiệm vụ
chủ yếu sau đây:
a) Đối với các tỉnh đã có Quy hoạch
mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trước thời điểm Quyết định này có
hiệu lực thi hành, tiến hành rà soát, nếu chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới
bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc phải tiến hành điều chỉnh quy
hoạch.
b) Đối với các tỉnh chưa có Quy hoạch
mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá, căn cứ quy hoạch này để xây dựng
chi tiết quy hoạch bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn.
Số lượng thương nhân kinh doanh
bán lẻ sản phẩm thuốc lá tại mỗi địa phương được xác định dựa trên căn cứ về
dân số, diện tích điểm bán, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm bán, nhu cầu của
thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương,…. khả năng tài chính và kinh nghiệm kinh doanh của thương nhân.
c) Áp dụng các giải pháp phù hợp
nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá
trên địa bàn, tránh để thất thu ngân sách nhà nước cũng như đảm bảo sức khỏe của
người tiêu dùng.
d) Báo cáo định kỳ về Bộ Công
Thương tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch này.
e) Trong quá trình tổ chức thực hiện
Quy hoạch mạng lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá, các địa phương căn cứ vào Quyết
định phê duyệt Quy hoạch này để cấp phép cho các thương nhân kinh doanh sản phẩm
thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Trong từng thời kỳ quy hoạch, nếu xét thấy cần thiết
phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với nhu cầu, sự phát triển kinh tế - xã hội
và sự phát triển thương mại của từng địa phương thì kiến nghị Bộ Công Thương
xem xét, quyết định.
4. Trách nhiệm của các doanh
nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá
a) Phối hợp với Bộ Công Thương,
các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch, hướng dẫn các doanh
nghiệp trong hệ thống của mình chấp hành Quy hoạch này và các quy định khác của
pháp luật.
b) Xem xét, lựa chọn các thương
nhân kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá có đủ năng lực,
nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm thuốc
lá.
5. Trách nhiệm của Hiệp hội thuốc
lá Việt Nam
a) Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phối
hợp với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch,
hướng dẫn các doanh nghiệp trong Hiệp hội chấp hành Quy hoạch này và các quy định
khác của pháp luật.
b) Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức
việc phối hợp giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá với các thương
nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhằm nâng cao tính hợp tác, liên kết trong việc
tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.
c) Nghiên cứu, đề xuất với các cơ
quan quản lý nhà nước các giải pháp, cơ chế chính sách đối với ngành thuốc lá để
thực hiện quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để
b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng, Các Thứ trưởng,
Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Viện, Tổng cục thuộc Bộ;
- Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam;
- Viện Nghiên cứu Thương mại;
- Cổng TTĐT Văn phòng Chính phủ;
- Công báo; Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TTTN (4).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hồ Thị Kim Thoa
|
PHỤ LỤC
SỐ LƯỢNG THƯƠNG NHÂN KINH DOANH SẢN PHẨM
THUỐC LÁ DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2332 /QĐ-BCT ngày
12 tháng 4 năm 2013 của Bộ Trưởng Bộ Công Thương)
1. Số lượng thương nhân kinh doanh
phân phối sản phẩm thuốc lá trên phạm vi cả nước đến năm 2020 tối đa là 350
thương nhân.
2. Số lượng thương nhân kinh doanh
bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi cả nước đến năm 2020 tối đa là 1.760
thương nhân.
3. Bảng kê số lượng thương nhân
kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa trên địa bàn từng tỉnh, thành phố
đến năm 2020, cụ thể như sau:
STT
|
Tên tỉnh,thành
phố
|
Số lượng
thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa
|
Ghi chú
|
Tổng số lượng của cả nước
|
1.760
|
|
Đồng bằng sông Hồng
|
381
|
|
1
|
Hà Nội
|
138
|
|
2
|
Hải Phòng
|
38
|
|
3
|
Vĩnh Phúc
|
20
|
|
4
|
Bắc Ninh
|
21
|
|
5
|
Hải Dương
|
34
|
|
6
|
Hưng Yên
|
23
|
|
7
|
Hà Nam
|
16
|
|
8
|
Nam Định
|
37
|
|
9
|
Thái Bình
|
36
|
|
10
|
Ninh Bình
|
18
|
|
Đông Bắc
|
193
|
|
11
|
Hà Giang
|
15
|
|
12
|
Cao Bằng
|
10
|
|
13
|
Lào Cai
|
13
|
|
14
|
Bắc Kạn
|
6
|
|
15
|
Lạng Sơn
|
15
|
|
16
|
Tuyên Quang
|
15
|
|
17
|
Yên Bái
|
15
|
|
18
|
Thái Nguyên
|
23
|
|
19
|
Phú Thọ
|
27
|
|
20
|
Bắc Giang
|
31
|
|
21
|
Quảng Ninh
|
23
|
|
Tây Bắc
|
57
|
|
22
|
Lai Châu
|
8
|
|
23
|
Điện Biên
|
10
|
|
24
|
Sơn La
|
22
|
|
25
|
Hoà Bình
|
16
|
|
Bắc Trung Bộ
|
203
|
|
26
|
Thanh Hoá
|
68
|
|
27
|
Nghệ An
|
59
|
|
28
|
Hà Tĩnh
|
25
|
|
29
|
Quảng Bình
|
17
|
|
30
|
Quảng Trị
|
12
|
|
31
|
Thừa Thiên Huế
|
22
|
|
Duyên hải Nam Trung Bộ
|
143
|
|
32
|
Đà Nẵng
|
19
|
|
33
|
Quảng Nam
|
28
|
|
34
|
Quảng Ngãi
|
24
|
|
35
|
Bình Định
|
30
|
|
36
|
Phú Yên
|
17
|
|
37
|
Khánh Hoà
|
23
|
|
Tây Nguyên
|
106
|
|
38
|
Kon Tum
|
9
|
|
39
|
Gia Lai
|
26
|
|
40
|
Đắk Lắk
|
35
|
|
41
|
Đắk Nông
|
10
|
|
42
|
Lâm Đồng
|
24
|
|
Đông Nam Bộ
|
338
|
|
43
|
TP. Hồ Chí Minh
|
155
|
|
44
|
Ninh Thuận
|
11
|
|
45
|
Bình Phước
|
18
|
|
46
|
Tây Ninh
|
22
|
|
47
|
Bình Dương
|
34
|
|
48
|
Đồng Nai
|
53
|
|
49
|
Bình Thuận
|
23
|
|
50
|
Bà Rịa - Vũng Tàu
|
21
|
|
Đồng bằng sông Cửu Long
|
345
|
|
51
|
Long An
|
29
|
|
52
|
Đồng Tháp
|
33
|
|
53
|
An Giang
|
43
|
|
54
|
Tiền Giang
|
34
|
|
55
|
Hậu Giang
|
15
|
|
56
|
Vĩnh Long
|
21
|
|
57
|
Bến Tre
|
25
|
|
58
|
Kiên Giang
|
34
|
|
59
|
Cần Thơ
|
24
|
|
60
|
Trà Vinh
|
20
|
|
61
|
Sóc Trăng
|
26
|
|
62
|
Bạc Liêu
|
17
|
|
63
|
Cà Mau
|
24
|
|